Phục đã thay da đổi thịt nhờ món tiền của Hạnh Nhân. Anh đã nói dối với Nguyệt có căn, có sách:
- Nguyệt à, tụi bạn cùng trường sĩ quan với anh hồi trước, bây giờ ở bên Mỹ, biết anh sắp đi, cùng góp lại giúp đỡ cho anh, sang đó mình làm ăn được, sẽ trả lại.
Nguyệt thì dễ tin, vẫn tin chồng mình luôn thành thật với mình. Số tiền đó Phục không cho Nguyệt biết là bao nhiêu, anh giữ hết, lo chi tiêu những chuyện cần trong đời sống.
Tuy nhiên, Nguyệt vẫn giữ bán xe bánh mì, để kiếm ăn và để che mắt thiên hạ, cả hai, không muốn những người chung quanh nhìn thấy sự thay đổi mau chóng của gia đình
mình.
Nhưng dù gì, cũng phải sắm chiếc xe để di chuyển và thay đổi cách ăn mặc nữa. Anh tìm mua chiếc Honda dame của một người bạn, giá cả tương đối rẻ, cũng như sắm
những bộ áo quần thời trang.
Bây giờ thì anh đã lột xác, từ một tay đạp xích lô anh biến tướng hẳn. Tuy chưa mập mạp như một chủ nhân ông, nhưng anh cũng không còn dáng dấp tiều tụy khẳng khiu của
người phu xe ngày cũ.
Nhưng có một điều anh chưa bỏ được, đó là anh thường lui tới chỗ Tiên Phước trong những lúc anh thấy lòng mình sao hoang vắng một cách lạ kỳ.
Tiên Phước thường nói với anh như lời một bài thơ:
“Em là cái sân ga nhỏ, anh là một con tàu”, lúc nào anh buồn thì đậu lại, lúc nào vui thì chạy đi.
Đúng là giống như câu thơ của Nguyên Sa:
Sao anh không là một con tàu.
Sao em không là một ga nhỏ.
Để có những giờ gặp gỡ
Để có những giờ chia tay.
Bây giờ thì Phục diện đồ láng cóng, ngồi trên xe Honda, chạy đến dừng ở sân quán bia Bụi Hồng. Anh như là khách ăn nhậu, anh đã trút khỏi mình lớp áo cu li.
Quán Bụi Hồng vẫn như ngày thường, các em vẫn son phấn loè loẹt, diêm dúa, vẫn cong cớn chào mời khách, vẫn ngồi vào lòng khách, vẫn để cho khách rờ mó bốc hốt thỏa
thuê. Khách càng xông xáo bao nhiêu các cô được “bo” càng nhiều.
Nhưng Phục thì vẫn ngồi chỗ cũ, vẫn một góc mờ khuất nhất.
Đó là thông lệ, là thói quen, các cô bây giờ nhìn anh bằng đôi mắt khác, đôi mắt nhìn “ông chủ”. Dù là quán bia ôm, nhưng cũng có tôn ty trật tự.
Phục ngồi xuống cái ghế nhựa, rồi nói với một cô tiếp viên:
- Cho tôi chai bia Sài Gòn và đĩa bê thui.
Cô gái tiếp viên vừa khuất sau cánh cửa thì Tiên Phước xuất hiện. Nàng cười, nụ cười rạng rỡ:
- Anh!
- Ngồi xuống với anh đi.
- Em ngồi với anh một chút rồi em phải vào trong làm mồi cho khách, không có em nấu, khách chê đó anh.
- Em giỏi quá hen, đúng là bà chủ có khác.
- Bà chủ quán bia ôm, hén.
Câu nói của Tiên Phước vừa thốt ra, có chút diễu cợt, có chút xót xa, nhưng khi câu nói phát ra khỏi miệng, nàng lại thấy lòng mình tê tái một nỗi buồn miên man. Đó là nỗi
than thân trách phận, một nỗi đau đời. Từ một nữ sinh ngây thơ trong trắng luôn
nhìn cuộc đời bằng màu hồng, màu xanh, đến bây giờ qua bao năm tháng. Những ước mơ xưa đã chôn vùi nơi huyệt mộ, bây giờ, nàng là chủ một quán bia ôm. Có ai biết được
như vậy không? Một giọt nước mắt nhẹ lăn trên gò má. Tiên Phước ngồi xuống bên Phục, bóng đêm nhạt nhòa chung quanh. Phục cầm tay nàng bóp nhẹ.
- Em uống với anh ly này.
- Dạ.
Tiên Phước tợp một hơi cạn ly bia. Phục gắp một miếng bê thui bỏ vào miệng nàng.
- Có bê thui làm mồi đây này, em ăn đi.
Tiên Phước nhai nhẹ lát bê thui. Mềm và ngọt.
Phục rót tiếp:
- Em uống tiếp với anh.
Những lúc như thế này, nàng thấy mình quên hết mọi chuyện. Chỉ còn lại với nàng là chuyện đi Mỹ, chuyện làm giấy tờ với ông Tiến ngoài quê, chuyện yêu đương với Phục. Ba
chuyện đó là nàng để bụng, còn chuyện quán xá, cũng chỉ là một cuộc vui.
Suy nghĩ đến đây Tiên Phước chợt giật mình. Từ ngày có Phục xuất hiện, nàng như quên đi mình đã có một người chồng ghép, chồng hờ là ông Tiến, ở ngoài quê, mà theo
thông lệ, thì khoảng ba tháng nàng phải trở về, để leo lên trên dãy núi ấy, căn nhà ấy, làm vợ ông. Cũng anh anh, em em, cũng mình mình, tôi tôi, với nhau, trong một hai tuần lễ.
Nàng cũng chuẩn bị thân hình thơm ngát, để đón những cái dẫy dụa, những cái hít hà, cùng những lời hờn ghen trách móc, sao em bỏ tui đi lâu thế? Tiên Phước phải cúi đầu
như thú tội, nàng cũng phải có chút nước mắt trong cuộc tình này, nàng nói, em thân gái một thân một mình phải bương chải, anh phải hiểu cho em, không đi xa làm ăn, làm sao
em có đủ tiền để lo hồ sơ cho cả nhà, anh nghĩ thử coi có tội cho em không, không thương người ta mà còn trách. Rồi nàng chồm người lên vuốt ve lồng ngực ông, lồng ngực
tóp teo mỏng dính.
Nhưng dù gì, nàng cũng phải về, về để che mắt chính quyền xã thôn, về để những người dân dưới xóm kháo nhau rằng ông Tiến có vợ thật, tận dưới phố, hai ba tháng mới về
thăm ông một lần.
Nghĩ đến đây, nàng buộc miệng nói với Phục:
- Có lẽ tuần sau em phải về quê đóng vai vợ hiền rồi đó anh.
- Thế à.
Phục ngồi bật ra phía sau, thở dài. Trong cuốn phim đời anh đang thủ vai chính, vừa hài, vừa bi. Không phải riêng anh mà biết bao người như Phước, như Hạnh Nhân, như
Thiệu, như Ngàn. Mỗi người một số phận, cuốn phim đời luôn luôn hai mặt.
Phục tự nhiên thấy lòng mình se lại, có được gì không với những mối tình đem chia ba xẻ bảy, như Tiên Phước đã chia làm hai, anh ở trong này và ông Tiến ở ngoài kia. Và
anh, và Hạnh Nhân nữa, cũng thế .
Tiên Phước đã ngà ngà say, nàng nói vọng vào bên trong:
- Mấy đứa đâu, cứ tiếp khách dùm cô nhe, khách có kêu gì cứ làm, hỏi cô nói cô đi vắng, cô sắp đi công chuyện đây này.
Phục biết Tiên Phước nói thế là nàng đã quyết định uống say và đi với anh đêm nay. Anh cũng thấy bùng lên niềm khát khao. Tiên Phước có một thân hình đẹp, đam mê và đầy
dục vọng. Tự nhiên thấy lòng mình như chao đi, nóng rần rật.
- Uống đi anh, đến phần này là em bao, anh xả láng sáng về sớm, rồi chở em đi đến một nơi khác, không có ai biết chúng ta là ai, anh nhé.
Tiên Phước biểu mấy đứa con gái tiếp viên đàn em đem thêm bia và đồ nhấm.
Phục nói:
- Thôi chừng đó được rồi em, anh cũng đã đủ đô rồi.
Tiên Phước tự tay rót bia cho Phục, cầm ly nâng sát môi anh:
- Anh uống đi rồi nhớ chở em đi chơi nhe, nhớ đừng “chạy làng” như lần trước.
Lần trước, hai người cũng ngồi uống bia như thế này, đến lúc gần say, Phước bảo anh chở đi chơi, anh thoái thác, nhưng lần này, chắc là không chạy được đâu.
- Ừ, anh sẽ chở em đi chơi.
Câu nói của Phục làm Phước vui. Những ước mơ của ngày tháng cũ, những tà áo lụa trắng, lụa hồng của một thời nhỏ dại. Bây giờ, trên tuổi bốn mươi, qua bao nhiêu thăng
trầm, ta mới gặp được nhau.
Đi chơi! Rong xe đi qua các phố, các ngọn đèn đường đỏ quạch, những dãy hàng quảng cáo sáng loáng lập loè. Tiên Phước ngồi phía sau xe Phục chở, Phục còn sáng suốt
để cố tránh những đoạn đường có thể gặp người quen. Chớ nếu không may mà gặp Nguyệt, nhưng chắc bây giờ Nguyệt cũng chỉ ở nhà với mấy đứa con, lo bánh mì cho buổi
bán ngày mai. Gần đây Nguyệt hay hỏi “Anh đi đâu về khuya quá vậy?” Anh trả lời cho Nguyệt an tâm “Thì anh đi gặp mấy người bạn để bàn về chuyện HO đó mà”, anh nhấn
mạnh thêm “Có mấy đường dây cho biết nếu muốn chạy để mau lên danh sách HO thì tốn trên mười triệu”Nguyệt hỏi lại “ đắc vậy sao?”, “Ừ”. Nguyệt không có ý kiến gì thêm,
anh biết Nguyệt tiếc tiền, đồng tiền của nàng là đồng tiền xương máu.
Anh cũng sợ đi quanh co sẽ gặp Hạnh Nhân, điều này cũng không vui tí nào, nên tránh đi là hơn.
Phục quay lại nói với Tiên Phước:
- Đi lòng vòng khi nãy giờ lâu rồi, anh chóng mặt quá, mình tìm chỗ nào nghỉ chút nghe em.
Đó là câu gợi ý, một mời mọc. Buổi tối ngồi uống bia, Tiên Phước ngồi kề anh, anh thấy lòng mình dào dạt hưng phấn. Có lẽ đó là cái mới lạ của một người đàn bà khác đến
với anh, không phải là Nguyệt. Đã bao năm, anh chỉ có Nguyệt, sống với Nguyệt, ăn ngủ với Nguyệt, làm tình với Nguyệt, nó như một thói lề, một quen thuộc làm anh thấy mất đi
niềm hưng phấn. Khi nằm bên Nguyệt, ôm Nguyệt vào lòng mà ngủ, anh cảm thấy thân thương yêu quý, nhưng những đòi hỏi vợ chồng cũng lụi tàn dần theo tháng năm chung
sống. Bây giờ chở Tiên Phước trên xe, khi có mấy chai bia uống buổi tối khiến anh ngà ngà, đã làm lòng anh lồng lên như con thú dử sút chuồng. Mùi thơm của Tiên Phước từ
nước hoa, từ phấn son, từ da thịt đàn bà đã làm anh khát khao được ôm chầm lấy, được thoả thuê trên thân xác đó.
- Anh muốn sao cũng được, anh đưa em đi đâu em đi theo đó mà.
Đó là câu nói chứng tỏ sự bằng lòng, sự đồng thuận, Phục thấy mình run lên, sung sướng vô vàn trong ý nghĩ. Anh cho xe chạy về ngã bến xe miền Đông, ở đó, những lần
đạp xích lô, anh biết có một dãy nhà trọ san sát nhau, ở đó, những cặp thanh niên nam nữ tìm đến thuê phòng.