Ngàn quyết định bỏ cái “chuồng cu” trên đường Huỳnh Văn Bánh, nơi anh đã cư ngụ gần mười năm. Cái chuồng cu
tuy ở trên cao vời, cao vợi, nhưng anh cảm thấy hạnh phúc. Một hạnh phúc bình yên. Đi làm về, leo lên mười bậc thang, năm chênh vênh trên
tầng cao, anh cảm thấy mình gần chạm với muôn vàn tinh tú, như thoát tục, bỏ xa hẳn mọi ưu tư, phiền não, bon chen, để cảm nhận cuộc đời là
cái quái gì.
Thế nhưng khi anh bước chân xuống bực thang cuối, dắt chiếc mobilette cà tàng ra đường làm nghề bỏ mối hàng, anh mới thấy đời mình sao
trần ai khổ ải quá. Anh muốn thoát ra cảnh đó. Bây giờ thì anh đã được toại nguyện một phần, Nga đồng ý cho anh về sống trong gia đình, để
cùng làm giấy tờ, cùng đi.
Ngàn gom hết đồ đạc của mình bỏ vào cái vali nhỏ, mười hai quyển sách cũ, năm cái quần đã sờn, sáu cái áo vừa sơ mi vừa áo thun, tấm
mền , cái mùng, cái gối, là hết. Tất cả anh bỏ chung vào cái va ly.
Hôm qua, anh đã báo cho người chủ nhà, “thưa bác, cháu về trên nhà sống với bà xã và mấy đứa con, bà xã kêu cháu về” (anh nói dóc cho
sướng cái miệng). Người chủ nhà trả lời, “à, à, thế hả? Cậu đi tôi cũng buồn, không có người ở chỗ này, tôi phải lau dọn hàng ngày”. ”Cảm ơn
bác nhiều, các con cháu cũng muốn cháu về, mình lớn rồi phải có chỗ trú chân chứ bác”. Anh dấu biệt chuyện anh về làm giấy tờ đi Mỹ. “Ừ,
đúng, cháu về lo cho các con là đúng”. Người chủ nhà tiễn anh xuống lầu, ông cầm đôi dép nhựa của anh đã bỏ trong bao, “cậu đem theo mà
dùng, để lại tôi cũng cho ve chai”.
Ngàn ràng rịt cái va ly phía sau baga của chiếc mobilette. Anh ngồi trên yên rồi đạp xe chạy, tiếng xe nổ lẹt xẹt, phun khói mịt mù.
Buổi tối sâm sẩm, đường phố trở nên tấp nập hơn. Đi ra khỏi đường Huỳnh Quang Tiên, Ngàn hướng lăng Cha Cả mà chạy. Ngôi nhà thờ Ba Chuông
lặng lẽ kêu lên những tiếng chuông chiều. Tiếng chuông rung nghe buồn thảm, dội theo sau Ngàn như một lời tiễn biệt. Từ nay đến những ngày
sau, anh sẽ xa ngôi nhà đó, xa con đường đó, xa tiếng chuông nhà thờ, mà mỗi sáng, mỗi tối, đi làm về, anh đều đi qua, đều nghe thấy. Nhìn
khu nhà thờ to lớn mà lòng anh như được tỉnh lặng đôi phần.
Ngàn cho xe chạy vô hẻm, có một cảm giác ấm áp tràn vào lòng anh như anh đang trở về mái nhà xưa, như ngày xưa anh đi hành quân,
sau hai ba tháng lội miệt mài trong rừng sâu, trên núi thẳm, trở về dưỡng quân ở hậu cứ, anh đón xe lam dù về thăm nhà, Nga bế con từ trong
bếp chạy ra, anh ôm Nga và con trong vòng tay. Căn nhà ấy và nơi chốn ấy bây giờ thật mịt mù. Bây giờ cũng đã trên mười lăm năm, hai đứa con
đã lớn, đã trở thành thiếu nữ.
Anh dừng xe, tắt máy, rồi dựng xe lên, mở dây ràng đem cái va li xuống. Anh gõ cửa. Có tiếng của Nga:
Đông, ba về đó, con ra mở cửa cho ba đi.
Hình như Nga nghe tiếng xe mobilette, biết anh đến.
Cánh cửa mở ra, Đông lấp ló phía trong, Đông nói:
Ba đó hả? má nói ba đem đồ vô đi.
Anh mở rộng cánh cửa, xách cái va li vào.
Đông dành lấy:
Ba đưa con xách cho.
Đông xách cái vali nhẹ hèo để vào trong buồng. Anh ngồi trên cái sofa. Nga từ dưới bếp đi lên, nàng bận cặp đồ xoa màu lá mạ, trông nàng
vẫn còn đẹp như thuở học trò. Nga nói:
Anh tắm rửa thay đồ đi cho mát, đợi con Thúy về rồi ăn cơm luôn thể.
Ngàn thấy lòng mình dội lên một niềm thương cảm vô biên. Anh quên hết ngày trở về từ trại cải tạo anh bị đối xử tàn tệ. Cũng căn nhà này,
anh gỏ cửa bước vào với một thân hình tàn tạ, áo quần rách bươm. Nga cùng ông bồ sắp đi đâu đó nên ăn diện rất lộng lẫy. Anh bước vào dáng
thất thểu, Nga nói “anh đi đi, ở đây không có ai tên Nga cả, không có ai là vợ con anh”. Tiếng người đàn ông,”anh đi đi, anh có muốn
tôi gô cổ anh lại không, muốn trở vào trại lần nữa không?” Anh thấy mình xoáy vòng như bị một cơn lốc hất tung anh lên. Anh bước ra khỏi căn
nhà mà lòng quặn thắt. Cũng mười năm rồi, anh không trở lại chốn này. Mười năm, ông bồ của Nga đã ra đi, mà anh thì trở lại.
Thôi hãy quên những đau buồn cũ, thời gian làm biến đổi con người, nhưng thời gian cũng là liều thuốc tiên, quên hết, quên đi nhé anh,
quên đi nhé em, quên đi nhé con, cố gắng mà sống. Trước tiên, phải thoát ra khỏi xứ sở này, cố gắng mà ghìm mình xuống, nước cờ cuối cùng và
duy nhất là ra đi.
Ngàn lặng lẽ bước vào phòng tắm, trong đó Nga đã để sẳn xà phòng, kem và bàn chải đánh răng, một bộ áo quần pyrama mới, còn thơm mùi
vải.
Nga nói:
Xà phòng, kem đánh răng, em để sẳn trong đó, của anh đó, anh lấy mà xài, em mới mua cho anh bộ đồ ngủ, anh thay cho mát.
Ôi, sao ta được đối xử nhẹ nhàng quá thế này, sao ta hạnh phúc thế này.
Anh tắm, rồi thay bộ pyrama. Anh đã bao năm? mười lăm năm thì phải, đi ngủ chỉ bận độc cái quần xà lỏn, cởi trần hay khi lạnh quá thì
thêm cái áo thun. Thời đại của anh bây giờ mà bận quần áo ngủ pyrama là sang lắm, là của giới thượng lưu. Anh được Nga cưng chìu như thế này
là nhất rồi, còn đòi chi nữa.
Bữa ăn được sắp trên cái bàn nhỏ cho bốn người.
Vợ con tíu tít bên anh. Đúng là ngày hạnh phúc nhất, Nga gắp cho anh những lát thịt, những miếng cá ngon.
Nga cười, nói với anh giọng vỗ về:
Anh ăn đi, ăn cho lại sức, em biết anh lâu rồi sống một mình chả ai săn sóc, bây giờ có em rồi, em sẽ săn sóc cho anh, anh đừng lo gì nữa
nhé.
Cảm ơn em, mười lăm năm rồi anh mới được ngày này.
Bữa ăn xong, Thúy và Đông lo dọn bàn, còn anh lên ghế sofa ngồi, Nga chế cho anh một ấm trà thật đậm.
Nga nói:
Anh à, đàn bà thì ai cũng mong nhờ chồng, nương tựa vào chồng mà sống. Mười mấy năm em lo nuôi con thay anh, nay em coi như đã xong bổn
phận. Bây giờ em giao cho anh đó, hồ sơ giấy tờ anh cố gắng làm cho xong, mình đi sớm ngày nào tốt ngày đó, em buôn bán sạp hàng ngoài chợ
cũng chỉ đủ ăn qua ngày.
Ngàn nổi máu quân tử tàu:
Hồ sơ anh sẽ lo mà, mai anh sẽ ra phường làm giấy tạm trú, rồi sẽ nộp lên quận, anh nghĩ chắc cũng hơn năm nữa mới đi được.
Thì em nói vậy thôi, mai em lục giấy tờ của em và con đưa cho anh, rồi em dẫn anh ra phường trình diện với công an luôn. Công an ở phường em
quen hết, mấy ảnh tội lắm, để em mua túp thuốc ba số làm quà, để họ dễ dàng chứng giấy cho mình.