Phục kiếm được hai chỉ vàng, đó là tiền công anh giới thiệu Tiên Phước mua Giấy Ra Trại của Nghĩa. Anh chỉ viết
địa chỉ của Nghĩa giao cho Tiên Phước, rồi để nàng làm thế nào thì làm, đến khi có kết quả, Tiên Phước gọi anh đến trao hai chỉ vàng.
Hai chỉ vàng gần tám trăm ngàn. Anh chạy xe để dành một tháng chỉ được một trăm rưởi. Tám trăm ngàn coi như anh chạy xe cả nửa năm. Ôi cha
ơi, cảnh đời đâu làm ra tiền dễ dàng như vậy.
Nhận hai chỉ vàng, cầm hai chỉ vàng trên tay, anh thấy mình như được bay bỗng lên trời không, đồng tiền làm con người như có cánh, tài gì
mà người ta lừa lọc nhau, đâm chém nhau, giết chóc nhau, đủ hết, cũng vì đồng tiền.
Anh đem hai chỉ vàng về cho Nguyệt, Nguyệt mừng ra mặt. Nguyệt hỏi anh:
Sao anh có vậy? ở đâu cho anh mượn được vậy anh? chồng em hay quá!
Phục lên gân:
Thì của bạn bè anh cho mượn chứ ai, anh bạn bè nhiều lắm.
Sao hồi đó anh bảo bạn bè anh ai cũng nghèo, ai cũng bị đi cải tạo cả.
Thì có mấy đứa về làm ăn khá lên.
Phục trả lời lấp liếm, anh không muốn Nguyệt biết chuyện anh làm ăn với Tiên Phước, cũng không muốn cho Nguyệt biết Tiên Phước là ai.
Nguyệt không nghĩ gì, dù gì thì với hai chỉ vàng quá lớn, vợ chồng nàng làm cả năm cũng không để dành nỗi.
Rồi anh chuẩn bị hồ sơ đem ra phường chứng, kèm theo cái bì thư có bỏ năm trăm ngàn đồng mới kít.
Người công an, cầm tập hồ sơ mặt cau lại. Ông lật qua lật lại mấy lần, khi thấy cái phong bì lộm cộm phía dưới, ông cầm lên, nét mặt rạng
rỡ, ông mở phong bì ra, cầm xấp tiền bằng giấy năm chục ngàn, ông đếm rất tỉnh, không ngượng ngùng, không lo lắng, như chuyện bình thường.
Xong, ông bỏ tiền vào lại trong phong bì, rồi đút vào túi. Ông cầm bút ký ngay, chưa đầy năm phút.
Phục đem tập hồ sơ về, tất tả đạp xe lên phòng Xuất Nhập Cảnh Quận nộp.
Thế là xong một bước.
Nhưng sau đó, Phục lại có nhiều suy nghĩ hơn.
Dù anh nhận được hai chỉ vàng, đó là công sức mối lái của anh, nhưng trong lòng anh vẫn có một ý nghĩ ngầm là mang ơn Tiên Phước. Nhờ có
hai chỉ, hồ sơ anh mới nộp được đến quận. Dĩ nhiên con đường còn xa, nhưng mỗi bước là một hoàn thành, như con rùa bò, dù chậm, cũng sẽ
có ngày đến đích, còn hơn là dậm chân tại chỗ.
Tình thân với Tiên Phước một ngày một đậm đà. Anh thấy nói chuyện với Tiên Phước như là nói chuyện với một người bạn thật sự, không rào
trước đón sau, không giữ ý giữ tứ, nghĩ gì nói nấy, mà toàn chuyện đời thường. Như chuyện tù cải tạo, chuyện các bà vợ ở nhà có bồ, có con
riêng, chuyện mua con lai, mua Giấy Ra Trại, chuyện ở quán bia ôm, mấy thằng cha dê già thích gái, chuyện gái mồi chài câu tiền mấy cha già
dịch. Rồi cả những chuyện yêu đương lãng mạn, chuyện thơ phú, nghĩa là đủ mọi thứ chuyện trên đời, thượng vàng hạ cám. Anh nghĩ, với Tiên
Phước, bên trong cái tâm hồn mà thời gian trước đây anh coi như vô cảm, là trống rỗng kia, bây giờ có cả một nỗi khát khao bùng cháy, một
tình yêu nóng bỏng. Mỗi lần gặp Phục, anh thấy Tiên Phước rạng rỡ thêm ra.
Rạng rỡ thêm ra. Đúng. Tiên Phước đã trải những ngày tháng buồn tủi. Người chồng đi cải tạo mười năm. Mười năm thật dài với một người đàn
bà sắc nước. Ai hiểu thấu không những ngày mưa dầm ở miền trung lạnh cóng? Tuổi hai mươi ba, hăm bốn, hăm lăm đi qua, trôi tụt khỏi nàng.
Những ngày tháng lặng lẽ nàng cố sống để chờ đợi chồng về. Rồi vẫn biệt tăm. Nàng không thể co mình lại, không thể trở thành tượng đá, nàng
phải thoát ra khỏi ngưỡng cửa trói buộc, nàng bung mình lên trên những chuyến xe đò liên tỉnh, trên những chuyến tàu Xuyên Việt. Nàng buôn
bán, đổi chát, quen biết, gọi chung là làm ăn. Đến khi Tiên Phước gặp Dũng, Dũng là cán bộ nhà nước, nàng đã bước qua khỏi lằn ranh của người
đàn bà thủ tiết. Nàng trở thành người đàn bà bao của Dũng, rồi tiếp theo sau đó là của Trung, Dân, Ngạc những người có chức có quyền. Lúc
đầu, những người này quỳ dưới chân nàng, sau đó thì quay lưng đi như chưa hề quen biết. Nàng thất chí, bỏ xứ, vào đây.
Với Tiên Phước, nàng đã bỏ lại đàng sau một quảng trời, một quảng đời, một mái nhà, một sự đoàn viên. Ngày Trực trở về, nàng không làm vợ
Trực nữa.
Nghề mở quán bia ôm, cũng chỉ là thời thế. Vì thời thế mà bao người đã lên voi, xuống chó. Những người chiến thắng đã nhân danh là công
lý thì công lý lên ngôi. Cho nên nghề của nàng bị mọi người nhìn vào với cái nhìn không thiện cảm, coi nàng như một tú bà không hơn không
kém. Nàng biết vậy, nhưng thôi cũng đành.
Chỉ có những người xuống chó như Phục, mới hiểu được nàng. Những lần ngồi trên xe xích lô cho Phục chở đi long rong trong thành phố, Tiên
Phước mới thấy lòng mình dịu lại, hoà lẫn những ước mơ của thời nhỏ dại, bỏ hết những buồn đau hiện tại, những thời hoa đào áo đỏ đã qua đi, chỉ
còn lại là cuộc sống, ám ảnh quanh quất đời nàng. Nàng muốn tách ra khỏi cuộc sống ấy, chia ra làm hai phần rạch ròi. Cuộc đời vẫn chảy mãi
miết trong công ăn việc làm hiện tại, cộng với ông Tiến ngoài quê, mà nàng là người vợ trên giấy tờ. Và tình yêu là Phục. Nàng muốn rạch ròi
giữa hai cuộc sống. Nàng muốn phân thân chia làm hai mảnh thân thể mình ra.
Buổi tối chạy xe ế, Phục thường la cà đến chỗ Tiên Phước, anh dựng xe xích lô ở chỗ một góc khuất, rồi vào ngồi ở một bàn cũng rất khuất,
kêu một chai bia Sài Gòn với con mực khô, anh ngồi nhâm nhi một mình, nghĩ đến nhiều chuyện đâu đâu. Một chốc thì Tiên Phước ra, giọng nhỏ
nhẹ:
Hôm nay anh đình công phải không?
Ừ, đình công, tự nhiên sao không biết, thấy chán đời quá đổi.
Em xin can anh, anh là người hạnh phúc nhất, thứ nhất là có vợ đẹp, con ngoan. Đi tù về mà còn nguyên vẹn cả quả là không có ai trên đời
bằng anh, lại sắp đi Mỹ nữa, thì đời lên hương quá mức rồi có gì mà chán, hả anh?
Tiên Phước vẫn có cái nhìn cuộc sống bằng cái nhìn thẳng. Những ngày gần đây, anh chạy cò thêm được một mối nữa về Giấy Ra Trại, nên anh
được thêm hai chỉ. Anh bán ra hai chỉ vàng rồi lấy tiền cất ở một nơi riêng, rồi những ngày chạy xe ế, anh thường đến nơi Tiên Phước, để ngồi vào
nơi chỗ khuất này, để uống một vài chai bia và nhìn Tiên Phước quẩn quanh bên anh. Rồi buổi chiều hay đêm khuya trở về, anh lấy ra hai chục
ngàn đưa cho Nguyệt, coi như tiền chạy xe của anh ngày ấy.
Câu nói của Tiên Phước có một ý nghĩa như là chua cay, như là ghen hờn. Anh thấm sâu và lún dần trong mối tình đó.
Bóng đêm chập choạng, những người khách uống rượu khuya vẫn còn ngồi trong căn phòng đèn tối mù mù, những cô tiếp viên ăn mặc hở hang
ngồi bên rót rượu, những vòng tay choàng qua, những ấm ứ, dậm dật. Họ có thể, trong cơn đòi hỏi của thân xác, sẽ chở nhau đi đến một phòng trọ
nào đó.
Hôm nay em uống với anh đi, anh chưa đãi em lần nào?
Rồi, thôi thì để công bằng, anh chịu bia em chịu mồi, nhé, coi ai nhậu ai hơn ai, nào.
Tiên Phước ngồi trên ghế sát với Phục, mùi nước hoa phản phất nhẹ nhàng. Phục kêu thêm bia. Tiên Phước nói vào trong với mấy cô gái:
Tụi bay coi khách cần gì lo phục vụ nhe, hôm nay chị nghỉ một bữa, tụi bay làm cho tau đỉa bò lúc lắc.
Bọn con gái biết Tiên Phước yêu Phục, dù Phục đạp xe xích lô, thua xa mấy ông khách trán hói, bụng phệ, đến đây lúc nào cũng kêu bà chủ
ơi, bà chủ à, mà không màng đến những cô gái trẻ. Trong cuộc ăn chơi, tìm tòi cái lạ, đàn ông có nhiều người thích chinh phục bà chủ hơn. Đó
cũng là một cách. Thế mà mỗi lần như vậy, Tiên Phước chỉ cười, rồi lặng lẽ rút êm ra ngồi với Phục.
Em uống đi, hôm nay anh muốn say cùng em.
Phục lấy bia rót vào đầy ly cho Tiên Phước. Tiên Phước cầm ly bia lên rồi nói như đang ca cải lương:
Mời anh, ba mươi năm mới gặp nhau, mời anh uống cạn cùng em ly rượu giao bôi.
Phục cũng nói với giọng của người đã ngà ngà:
Ba mươi năm khi em còn bé tí, đến bây giờ anh chẳng là gì, em chẳng là gì, nhưng còn có nhau là quý, phải không em?
Phục uống hết ly bia, anh đã nghe chếnh choáng, anh nói tiếp:
Còn có nhau là quý, và anh thì yêu em, thật là một chuyện anh không ngờ được, nhưng anh không dối lòng anh được, Phước ơi!
Phục gục đầu xuống, trông thật thảm hại. Có lẽ mười lăm năm sau ngày thất trận, anh thảm hại vì một chuyện tình. Phước đở anh dậy, rồi gục
đầu vào ngực anh:
Anh Phục à, chúng ta gặp nhau muộn màng quá, em không còn là gì cả, danh giá, tiền bạc, chồng con, em đều không còn, bây giờ gặp anh mấy
lâu nay, em muốn bày tỏ nổi lòng của em nhưng không nói lên được, em yêu anh, nhưng chúng mình yêu nhau để mà chi, xác thân em nhàu nát,
đời sống em như cánh hoa trôi lạc loài. Với anh còn có một gia đình, còn em thì không còn gì, em chỉ hy vọng được đi Mỹ để đổi đời, để lột
xác. Anh đừng buồn em nhe.
Phục ôm lấy Tiên Phước:
Anh cũng chỉ còn một tấm thân tàn tạ. Anh có gia đình của anh, nhưng anh không thể dấu lòng mình là anh yêu em, Phước ơi!
Em cảm ơn anh, tấm thân em anh muốn làm gì thì anh làm, đây là dâng hiến, em đã trượt quá sâu, nếu anh yêu em, em cảm ơn tấm lòng ấy,
nhưng anh đừng làm Nguyệt buồn nhe.
Hai người ngồi đến mười hai giờ khuya Phục mới ra xe đạp về. Ngồi lên xe, anh thấy mình tỉnh lại.
Về đến nhà, Nguyệt vẫn chưa ngủ, nàng đợi anh, Nguyệt cằn nhằn trong âu yếm và lo lắng:
Anh làm ăn cũng phải nghĩ đến sức khoẻ của mình, đạp xe quá nhiều mất sức lắm đó anh.
Đó là câu nói của tình thương yêu, Phục tự nhiên nghe chảy nước mắt.