Phục đạp xe qua đường bà Huyện Thanh Quan. Nhiều lần qua con đường này anh đều tránh cái nơi mà người đàn bà
có tên Hạnh Nhân đứng đợi xe trong những tháng trước.. Anh đã thất hứa, không đến đón người đàn bà như lời yêu cầu. Có lẽ trong trí nhớ anh
vừa nhận ra đó là một người cùng quê. Anh đã muốn lánh mặt tất cả, không muốn ai nhận ra mình đang hành nghề xích lô. Đó cũng là một thái độ
sống hay một tự ái vặt còn sót lại trong anh.
Đã mấy tháng qua, anh đã tránh đi con đường, nơi có thể gặp người đàn bà đó. Không riêng gì với Hạnh Nhân mà với những người khác anh
thấy quen quen là anh lẫn đi, tìm con đường khác mà chạy. Nhưng dĩ nhiên, nghề chạy xích lô là nghề dân biểu, hành khách muốn đi nơi nào
mình đi nơi đó thôi, khi chạm mặt với người anh thấy quen đâu đó, anh thường đạp thật nhanh và lấy mũ che sụp khuôn mặt anh lại.
Đó là những ngày tháng trước, cái sĩ diện trong anh cũng mất dần đi vì hiện thực cuộc sống. Cuộc sống đọa đày anh, biến anh thành người
cu li và anh đã trở thành người cu li xe chính hiệu. Dù nó có được ngụy trang, được dùng bằng một danh từ nghe có vẻ rất nhân bản, là công
nhân xích lô đi nữa, thì trong đời sống, cu li và công nhân, cùng một công việc như nhau, là oằn người ra mà đạp xe chở khách. Thì sá gì
đâu mà phải sĩ diện.
Xã hội mới đã biến biết bao nhiêu trí thức, nguyên là giáo sư, kỹ thuật gia, luật gia, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu xuống đường làm
thợ sửa xe đạp, sửa xe gắn máy hay phu xích lô, phu ba gát. Chuyện đó là chuyện thường tình. Trong một xã hội trắng đen chưa rõ, thì một sĩ
quan cải tạo trở về, làm một công việc như anh có gì mà phải che dấu, lấp liếm.
Từ đó, anh an nhiên tự tại, thấy mình tự nhiên hơn trong công việc, anh đạp xe thẳng người, không né tránh ai, gặp người quen thì nói
cười ha hả, hỏi chuyện người này, hỏi chuyện người kia, nên anh biết được tin tức của nhiều người bạn, người quen, mà tháng năm qua, ở trong lò
cải tạo, anh đã bặt tin.
Và đúng Hạnh Nhân là con người đó, đúng là người con gái của đồng quê ngày nọ. Qua nhiều nguồn tin, anh biết Hạnh Nhân nay đã thay hình
đổi xác, nàng vượt lên trên, trở thành giai cấp thượng lưu, trưởng giả.
Nhưng đối với Phục, anh chỉ đứng xa mà nhìn, mọi chuyện đều không dính dáng đến anh, đến chuyện anh đang làm là chạy xe kiếm cơm, cũng như
cố gắng chạy vạy để có tiền làm hồ sơ xuất cảnh.
Nhưng cuộc đời có những cái trái khuáy không ai ngờ. Có người lý giải đó là định mệnh. Mỗi bước chân ta bước là một định mệnh, như bước chân
người lính ngoài chiến trường, bước chân dẫm lên mìn bẩy làm xương tan thịt nát. Mới nói đó, cười đó, đùa vui đó, mà một mảnh đạn xuyên qua
tim, liền ngã quỵ ngay, không trăng trối. Đúng là định mệnh. Như hôm nay, trên chiếc xe cà tàng Phục rong rong trên đường bà huyện Thanh
Quan lại gặp Hạnh Nhân lần thứ hai.
Người đàn bà đứng bên lề đường ngoắc xe mà anh thì đang đạp xe tới. Đáng lẽ ra, như trước đây, anh sẽ lắc đầu và nói xe có mối. Nhưng bây
giờ thì anh cũng chai lì quá chuyện gặp người quen, nên anh dừng xe lại.
Hạnh Nhân vừa từ nhà một người bạn đi ra, nàng không đi xe dream riêng của mình mà muốn đi xích lô, đó là ý thích rẻ tiền, ngồi trên
xích lô qua các ngã đường, nàng thấy như mình bồng bềnh trên chiếc du thuyền tưởng tượng, vượt đại dương để đến một xứ sở xa xôi trong mộng
tưởng.
Chiếc xích lô ngưng lại, Hạnh Nhân trố mắt:
Oả, anh tháng trước đã chở tôi phải không?
Phục trả lời nhẹ nhàng:
Tôi đây, trước đây tôi đành thất hứa với chị vì giờ đó tôi có vài chuyện phải làm nên không đến đón chị được.
Hạnh Nhân nói:
Không có gì đâu anh, nếu tiện thì anh đón còn không thì thôi, tôi nhờ người khác. Anh dạo này khoẻ chứ?
Thì chị thấy đó, làm nghề này không khoẻ thì làm sao làm nổi.
Hai người tự trong thâm tâm đã biết nhau, biết cả dấu tích, biết cả dĩ vãng, nhưng không ai muốn lộ ra trước, người này muốn giữ kẻ với
người kia, họ chỉ là khách quen trong công việc di chuyển.
Anh cho tôi lên khu thương mại quận mười.
Chỗ hôm trước hả chị?
Dạ, chỗ hôm trước.
Hạnh Nhân bước lên xe, nàng bận cặp đồ bộ màu xanh đọt lá chuối non, loại áo sát nách nên mỗi khi nàng cử động, cánh tay dơ lên cao, để
lộ ra cả một vùng lông nách đen rậm. Dù không cố nhìn, nhưng sự vật hiện ra trước mắt nên anh phải thấy, thấy rồi nên Phục lại nghĩ bậy bạ, mấy
người đàn bà rậm lông là dâm tận mạng. Suy nghĩ rồi anh cười một mình.
Trong suốt cuốc xe, đi một khoảng xa mà hai người không nói với nhau một lời nào nữa, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hạnh Nhân
thì đã nhận dạng ra người đạp xích lô là Phục, anh chàng cùng quê mình cũng mấy mươi năm. Thuở đó, tuổi mới lớn, nàng đã nhìn người con trai
học trên nàng mấy lớp bằng con mắt nễ phục lẫn thương yêu. Tình yêu tuổi học trò là mộng mơ, là hoa bướm.
Tuổi mới lớn, mang thân phận là một học sinh nghèo từ quê lên tỉnh, nàng chấp chới trong những mơ mộng si tình một chiều, đơn lẻ. Hình
ảnh Phục là hình ảnh đã in trong tâm trí nàng như một hình ảnh của thi ca, của văn học, cách xa nàng hàng vạn dặm. Ngày Phục đi Sài Gòn
học, nàng đứng bên giếng nước ngôi nhà trọ học trông theo. Nhìn chiếc xe đò tách bến chở Phục đi, nàng nghe lòng mình nghẹn ngào một nổi đau
thương không thể tả. Mối tình đó là mối tình đơn phương. Phục như cánh chim đang bay mãi miết trong vòm trời cao rộng.
Phục theo học ở đại học rồi đi lính. Đôi mắt nàng dõi theo mãi. Nhưng rồi hình bóng đó cũng khuất xa khỏi tầm tay với, nàng buông lỏng
mình theo những mối tình khác, những người con trai khác, rồi cũng không đi đến đâu, cho đến ngày gặp Trường.
Bây giờ, nàng đã giàu có, đã toại nguyện trong lòng những giấc mơ thời nhỏ dại. Từ con gái trở thành đàn bà, trở thành chủ nhân nhiều
ngôi nhà rộng, chủ nhân nhiều sạp hàng bán đồ đắt giá, nàng muốn hoá thân mình vào trong giới trưởng giả, giới thượng lưu, nhưng cuối cùng,
nhìn lại, ai cũng như đang cười khúc khích dè bĩu với sự hóa thân trút bỏ tấm thân trần trụi, quê kệch của nàng. Sự hóa thân đâu phải dễ, con
vịt muốn hoá thành con thiên nga chắc là phải chờ đến kiếp sau.
Cho nên Hạnh Nhân cố lấy tiền bạc, của cải vật chất của mình đã có, để che lấp đi những thua sút, những nhỏ bé của mình. Nàng đi xem
tranh ở các cuộc triễn lãm của các hoạ sĩ nổi tiếng, tham dự những buổi ra mắt sách của các nhà văn tiếng tăm, đi dự những buổi hoà nhạc của
các nhạc sĩ lừng danh. Nhưng cuối cùng những điều đó cũng không nâng cao nàng lên thêm được chút nào, nên nàng vẫn mơ ước về một quảng
đời ấu thơ xưa cũ, vô tư, nhí nhảnh, tung tăng trong sân trường trung học.
Hạnh Nhân làm ra bộ như chợt nhớ ra điều gì, nàng quay lại hỏi Phục.
Anh ở miền Trung phải không?
Vâng, sao chị biết, đoán giọng nói à?
Không, đoán giọng nói chỉ là một phần, tôi còn biết anh nhiều hơn nữa.
Phục biết có lúc phải đối diện với sự quen biết này, nhưng anh cũng giả tảng:
Tôi bây giờ chả còn nhớ được ai, lâu quá rồi trí nhớ tôi cũng cùn đi.
Hạnh Nhân xoè con bài tẩy ra:
Anh có phải là anh Phục không? Anh Phục thời học đệ nhất ở trường trung học tỉnh lỵ.
Sao chị nhớ hay vậy. Đúng, tôi là Phục.
Hạnh Nhân đổi cách xưng hô:
Anh Phục, anh không nhớ em sao?
Nhớ em! cái giọng thật ngọt ngào như tiếng ríu rít của chim làm Phục thấy lòng mình như được vuốt ve, nâng niu, chìu chuộng. Có thể mười
mấy năm trước đây khi anh là một sinh viên, một sĩ quan tại chức, anh đã nghe được giọng nói đó nhẹ nhàng, âu yếm như thế. Nhưng đời anh đã
trải qua những nghiệt ngã của số phận, trong tù bị các vệ binh, quản giáo chữi rủa, hành hạ, hạch sách, trở về cuộc sống đời thường thì bị công
an theo dõi hàng ngày. Vùi đầu vào rẫy bái không nhìn được ánh sáng của cuộc sống nên anh trở nên chấp chới, cứ thấy mình như bị bóng đè, có
cựa quậy bao nhiêu cũng không thể thoát ra được.
Câu nói dịu dàng đó khiến Phục thấy mình còn ít ra được một người nhớ đến, dù trong thâm tâm anh vẫn cố dấu mình.
Tôi nhớ chị rồi, tôi biết chị bây giờ thành công lắm.
Thành công gì anh, cuộc đời chỉ là phù du, bèo bọt thôi. Có được cuộc sống bình an là vui rồi.
Đó là một cách nói, một cách hạ mình xuống để rồi nâng mình lên, đó là một thủ thuật trong cách giao tiếp mà Hạnh Nhân đã học trong
những năm tháng nàng trôi nỗi ở chợ đời đầy cay đắng.
Nàng nói tiếp:
Em nghe và biết anh cải tạo trở về, mong gặp anh mà không thể gặp được, lần trước anh chở em, em cũng ngờ ngợ rồi, nhưng anh thay đổi quá,
khiến em cũng cứ nghĩ là không phải anh. Lần này gặp anh, biết chắc là anh rồi, em mừng lắm.
Tôi gặp lại chị tôi cũng mừng, vì mình cùng quê mà, tha hương ngộ cố tri.
Anh đừng kêu em bằng chị, em nhỏ hơn anh, em như em gái anh vậy, cứ gọi em là em đi.
Nếu Hạnh Nhân cho phép.
Hạnh Nhân hạ giọng xuống thật thấp:
Sao anh không tìm nghề khác làm, nghề đạp xích lô cực lắm.
Thì cũng hoàn cảnh cả thôi, anh đi cải tạo về, đâu ở được thành phố, phải lên kinh tế mới với bà xã, ở trên đó làm không đủ ăn nên dắt díu vợ
con về lại Sài Gòn. Về đây không vốn liếng, biết nghề gì mà làm, ngoài chuyện đạp xích lô.
Hạnh Nhân tỏ vẽ mủi lòng:
Em cũng biết nhiều người cải tạo về làm nghề này, nhưng nghề này là bán sức lao động, bán mồ hôi đó anh, nếu có nghề khác khoẻ hơn, anh làm
cũng tiện hơn.
Phục giọng cảm động:
Anh làm nghề này riết thấy cũng quen đi, bây giờ không muốn bon chen gì nữa.
Hạnh Nhân khuyến khích:
Nhưng anh phải cố gắng vươn lên chứ, đâu thể sống đời bằng nghề xích lô.
Rồi nàng hỏi dò chừng:
Nghe nói các người học tập cải tạo trên ba năm được làm hồ sơ đi Mỹ, anh có nằm trong thành phần đó không?
Có, nhưng làm giấy tờ tốn kém quá nên anh phải để từ từ. Đến đâu, qua cửa ngõ nào cũng phải tốn tiền, anh chán nản quá.
Đó là lời tâm sự thật lòng, anh không có ý nghĩ ta thán, để cho Hạnh Nhân cám cảnh, chuyện anh tâm sự, như một sự bùng phát của ngọn
lửa, bị o ép dưới than tro, khi có ngọn gió thổi qua thì bùng lên thành đám cháy.
Hạnh Nhân hơi ngỡ ngàng, nàng không biết Phục nói ra, than vãn, có ý nghĩa nhờ vã nàng không? Cái nghề nghiệp và cuộc sống suốt mấy mươi
năm lăn lộn trong trường đời nhiều cạm bẫy cùng gian trá này, khiến nàng nhìn mọi chuyện bằng cái nhìn đề phòng, dè dặt, nghi ngờ.
Phục giựt mình vì câu nói tâm sự của mình đã thốt ra, vì nghĩ rằng, đó là lời bộc bạch tâm sự với một người quen cũ, nhưng anh nhìn gương
mặt Hạnh Nhân hơi cau lại, đôi mắt kẻ chì đậm cong cong, anh hiểu Hạnh Nhân đã hiểu sai câu nói của anh.
Phục tiếp lời:
Nói vậy thôi chứ cái gì cũng qua, đến sẽ đến.
Xe chạy vào con đường nhựa nhỏ, gần đến khu thương mại. Hạnh Nhân ngỏ ý:
Lần trước anh không đến đón em đi chợ, bây giờ anh có thay đổi ý kiến không, nhà em tuốt trên Phú Nhuận, nếu anh rãnh đến đón em mỗi sáng,
em nhờ anh được không?
Lần trước, anh dè chừng thật sự, bây giờ thì sự thật đã dàn ra trước mắt, đây là một việc làm kiếm tiền, sao anh lại từ chối.
Phục trả lời:
Thôi được, mỗi sáng anh sẽ tới nhà em rước em đi.
Hạnh Nhân cười rạng rỡ:
Anh hứa chắc nghe anh Phục, mai em đợi anh đó, lúc chín giờ sáng nhe.
Xe ngừng lại trước sạp hàng.
Nàng lấy trong xách tay ra trả tiền kèm theo một tờ danh thiếp. Quay lại phía sau đưa cho Phục rồi nói:
Đây là địa chỉ nhà em ở Phú Nhuận, mai anh tới nhé, em đợi.
Cái vẫy tay khiến nàng đưa cánh tay lên cao, lại lộ ra chùm lông nách dày, đen và rậm. Đạp xe đi, Phục lại cười thầm với suy nghĩ trong
bụng. Hấp dẫn quá!
Chùm lông nách đã ám ảnh anh trong suốt chặng đường đạp xe chạy long rong tìm khách. Anh cũng loé lên những tư tưởng ham muốn, muốn áp
mặt vào nơi chốn rậm rịt đó.