Thông cáo của Sở Ngoại Vụ Việt Nam được đăng trên hầu hết các báo, đại khái là:
Được sự thoả thuận của chính phủ Mỹ và chính quyền Việt Nam, những người thuộc diện học tập cải tạo theo lệnh tập trung trên ba năm,.. sẽ
được cho tái định cư tại Mỹ, hồ sơ được thu nhận từ ngày.
Tin tức loan ra như một quả bom napal nổ toé lửa. Quả bom này có sức công phá hàng trăm ngàn gia đình. Đó là những gia đình có cha,
chồng hay con, nguyên là sĩ quan hoặc công chức chế độ cũ, đã theo lệnh tập trung học tập cải tạo của chính quyền mới, trên ba năm, được thả
về. Họ xôn xao vì họ sắp được ra đi khỏi đất nước, một đất nước được gọi là quê hương, nhưng ai cũng muốn bỏ đi.
Nguyệt dọn hàng từ lúc sáu giờ sáng. Hàng ở đây là xe bán bánh mì lề đường. Xe bánh mì đặt ở góc con hẻm xứ Nghĩa Hoà, nơi Phục
thuê nhà, một căn phòng bề ngang ba mét bề dài sáu mét, cho vợ con tá túc.
Từ khi Phục đem Nguyệt và hai đứa nhỏ về thành phố, Nguyệt đã bỏ cây cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, lại vùng kinh tế mới. Bỏ hết những
nổi nhọc nhằn của tháng ngày làm rẫy.
Bây giờ về thành phố với những lo toan mới, những khó khăn mới. Thấy một mình Phục chạy xe làm sao đủ để trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền
học, tiền sách vở cho hai đứa con. Lại nữa, người công an khu vực vẫn thường đi kiểm soát hộ khẩu nửa khuya, vẫn thường hăm doạ tống khứ gia
đình nàng ra khỏi thành phố, biết vậy, nên nàng vẫn phải lén lút đút lót cho anh ta, khi thì mấy bao thuốc lá ba số, khi thì năm ngàn, mười
ngàn, để anh ta uống cà phê hay về đưa cho vợ, tùy ý. Như vậy anh ta mới lơ cho gia đình sống yên ổn mà làm ăn.
Mới đầu thì Nguyệt cũng lúng túng lắm. Nàng phải ra đứng gần một xe bánh mì ở ngã ba ông Tạ, để nhìn cách thức họ dọn hàng, bán hàng. Bỏ
mấy buổi như vậy, Nguyệt bắt chước làm theo, nàng đi mua vật liệu ở mấy quán giò chả, các quán bán thức ăn khô, mua bánh mì ở lò. Rồi mọi
chuyện cũng qua từng ngày, từng bữa.
Ngày đầu bán đâu mươi ổ bánh, chưa lấy lại vốn, bánh mì dư đem về cả gia đình cùng ăn. Cũng mươi, mười lăm ngày như thế mới có khách quen,
mới kiếm lời được chút đỉnh.
Sáng hôm nay, Nguyệt thức dậy dọn hàng thì Phục cũng đã đi rồi. Phục thường dậy rất sớm, đạp xe đạp xuống nhà Chức, gởi xe đạp ở đó rồi lên
xe xích lô chạy ra ngồi ở quán cà phê lề đường, uống một ly đen. Những lúc như vậy Phục thấy lòng mình tỉnh táo trở lại, anh thấy mình được
khoẻ thêm lên, như được uống một thang thuốc trợ lực.
Nguyệt lu bu với xe bánh mì, hai đứa con thức dậy, lo vệ sinh cá nhân, rồi mỗi đứa lấy một ổ bánh mì mà Nguyệt đã làm sẳn để trên bàn,
ăn sáng. Chúng tự động bận áo quần, xách cặp đi học. Con nhà nghèo, nên cuộc sống dạy cho chúng mọi sự tự lập.
Nguyệt đang lu bu làm hai ổ bánh mì thịt nguội cho hai người thanh niên chạy Honda dừng lại mua, thì Phục từ đằng xa chạy xe lại. Anh
dừng xích lô tại góc hẻm rồi đi đến bên Nguyệt, vẻ mừng vui hiện lên trên mặt. Nguyệt đang lấy thịt bỏ vào ổ bánh mì, vừa cười vừa nói với
Phục:
Anh hôm nay trúng mánh hay sao mà mặt mày tươi rói vậy, chắc lượm được bóp tiền của khách để quên trên xe chứ gì?
Phục vò tóc cười toát miệng:
Có chuyện vui lắm, vui hơn thế nữa kia. Em bán xong lại anh nói cái này, có tin vui cho em đây.
Nguyệt cũng vui lây với cái vui của chồng. Nàng thấy từ ngày Phục trở về từ trại cải tạo, anh không lúc nào có niềm vui. Sự trở về của anh
kèm theo với bổn phận kiếm ăn cho gia đình. Tất cả quay tròn suốt ngày, suốt tháng, suốt năm. Anh đã bỏ quên đàng sau tháng ngày lính
tráng cũ. Anh trở thành một người nông dân chính hiệu, hút thuốc rê, thuốc lào, uống rượu đế, bia lên men. Đó là niềm vui của anh suốt sáu
năm nay. Không bao giờ anh nở nụ cười tươi vui như hôm nay. Chắc là có chuyện gì vui lắm.
Nguyệt lấy tiền xong hai ổ bánh mì của khách, nàng quày quả đến chỗ xích lô của Phục đang đậu, giọng nàng xăng xái, vui đùa:
Lượm được tiền rơi đâu đưa cho em, em về mua tập sách cho con.
Tin này còn hay hơn lượm tiền rơi nữa. Em biết không, ngày hôm nay, báo chí cả nước đăng tin, ai là sĩ quan công chức chế độ cũ, đi học tập
trên 3 năm, sẽ được cho đi định cư ở Mỹ, báo đây này, em đọc đi.
Phục lấy ra từ dưới nệm xe tờ báo Công An thành phố. Nguyệt chăm chỉ đọc, một lúc, nàng trả lại tờ báo cho Phục:
Tin này em mới nghe đây, như vậy diện mình được làm hồ sơ hả anh?
Phục hiu hiu tự đắc:
Chứ còn gì nữa, giới hạn là cải tạo ba năm, mà anh những hơn bốn năm, làm sao lọt sổ được.
Nguyệt cũng cười thật tươi, nàng đang mở cờ trong bụng:
Như vậy thì vui quá, anh đi hỏi thêm về việc làm hồ sơ đi.
Ừ, anh sẽ hỏi, hay chiều về trả xe cho Chức anh sẽ hỏi nó. Thằng này là tay săn tin, tin gì nó cũng biết trước. Thôi anh đi đây, chiều về có
gì mới anh báo cho em.
Anh không về nhà ăn cơm hả?
Thôi, để anh chạy kiếm mấy đồng bạc, chứ từ sáng tới giờ mới đạp có một cuốc.
Dạ, anh đi đi. Em lại bán hàng đây.
Phục lên xe, anh bây giờ là cu ly xe thực sự rồi. Quần xà lỏn màu cứt ngựa, áo may ô xám, mũ rộng vành, dép râu. Anh đã lột xác thành
công nhân lao động chân tay chính cống.
Nguyệt trở lại xe bánh mì, nàng ngồi lên chiếc ghế vuông mà hàng ngày nàng vẫn ngồi bán. Hôm nay, nghe tin Phục báo, nàng thấy lòng
mình nhẹ tênh, như mình sắp bay bỗng đến một nơi nào đó xa xăm lắm vậy.
Đi Mỹ! Đi Mỹ! Xứ sở thần tiên đó có một hấp lực vô cùng mạnh mẽ. Nó sẽ đổi đời cho biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thân phận đang sống
chui rúc, bầm dập, không bao giờ ngóc đầu lên nổi. Nguyệt cũng vậy, từ một cô giáo, nàng trở thành một người nông dân, suốt ngày làm bạn với
cái cày, cái cuốc. Đi kinh tế mới, công an Dậu đã làm nàng tởm lợm bao nhiêu. May mà nàng đã có chút miếng thủ thân, đã cho anh chàng công
an kia một bài học, chứ không thì bây giờ biết ra sao. Những người đàn bà ở kinh tế mới có chút sắc đẹp đều là những con mồi cho đám cán bộ,
công an hay đám chạy xe be nhiều tiền lắm bạc. Nào Tâm, nào Kim Anh, nào Phương Nam. Những người chồng cải tạo đã trở về, biết sự việc
của vợ mình, họ lẵng lặng bỏ đi.
Bây giờ, thời gian trước mắt với nàng là cả một hành trình mới mẻ nữa.