(Đọc Hồi ký "Ở Lại Dòng Sông" của Nguyễn Trung Tín, Nguyên Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Định)
Kỳ 2:
Sang năm 1965, Mỹ đưa quân ồ ạt vào Việt nam. Với quân số đông và ưu thế về hỏa lưc, địch đã gây cho ta những tổn thất lớn. Vừa đặt chân lên chiến trường Bình Định, quân Mỹ và Nam Triều Tiên mở ngay những trận càn quét, đánh phá, tiến hành tàn sát đẫm máu. Với chính sách "tam quang", đánh sạch cả ba vùng miền núi, đồng bằng và ven biển.
*Ngày 2.9.1965, tại khu rừng Bà Bơi, Bók Tới (Hoài Ân), Trung ương thành lập ở Bình Định một đơn vị quân chủ lực đó là Sư đoàn 3 Sao vàng, khung nòng cốt là cán bộ miền Bắc vào, tân binh là lưc lượng thanh niên địa phương, do Đại tá Lư Giang làm Sư trưởng (trang 202-203).
Đầu năm 1966, tình hình rất gay go. Bộ binh địch liên tục lấn chiếm các vùng giải phóng. Chúng phân tán lực lượng chủ lực, đi sâu càn quét tiêu diệt du kích, duỗi dân ra, lần lần nống ép, chúng tàn sát dân, dân bỏ chạy, làm ta mất chỗ dựa. Nhiều xã trở thành trắng dân.
Đông Xuân 1966-1967, cuộc hành quân "Đại Bàng 800", địch huy động lưc lượng gồm Sư đoàn Mãnh Hổ, Lữ đoàn Thanh Long (Nam Triều Tiên), Sư đoàn 22 Ngụy và Sư đoàn Không Kỵ số 1 Mỹ đánh phá kéo dài một tháng vùng đồng bằng Khu Đông, bao vây lực lượng ở Núi Bà, lùng sục khắp nơi "lật đá bắt Cộng Sản". Sau 12 ngày mưu trí đánh địch, thoát được vòng vây sau hàng chục lần chết hụt; đi mười mấy còn về được hai, ba. Trở về được căn cứ Vĩnh Thạnh. Qua trận đó, tỉnh ủy kiểm điểm sai lầm khi đưa anh em xuống đồng bằng trong thời kỳ mở, không có ai ở lại căn cứ, bỏ sản xuất, nên ngày trở lại thiếu đói trầm trọng. Từ tháng 6 năm 1967, trở lại căn cứ Hòn Chè (Phù cát). Lúc đi khỏi Núi Bà, có bố trí người chạy vào ấp chiến lược, nhờ đó lần nầy nắm lại được đường dây liên lạc của Tỉnh ủy được củng cố, bắt liên lạc được với Thị ủy Quy Nhơn và khắp cả tỉnh. (trang 209-244)
Tháng 12 năm 1967, Khu ủy triệu tâp cuộc họp truyền đạt Nghị quyết BCT về tổng công kích Mậu Thân 1968, nội dung: Cách mạng miền Nam chuyển sang một thời kỳ mới là tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành chiến thắng trong tết Mậu Thân 1968. Lệnh chỉ được nghe, nhớ, không được ghi chép, khẩn trương tiến hành triển khai.
Phương án đánh vào Quy nhơn, lấy Hưng Thạnh làm bàn đạp. Tỉnh ủy tăng cường một nữ Ủy viên Thường vụ cùng một số nữ giao liên làm binh vận. Chuẩn bị cắt may cờ Mặt trận, khẩu hiệu phục vụ cuộc nổi dậy và chào mừng chiến thắng.
Một Thường vụ Khu ủy cùng Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo đánh vào Quy Nhơn. Phó Tư Lệnh Quân Khu chỉ huy lực lượng quân sự, Sư đoàn 3, Sư đoàn 10 đánh hổ trợ vòng ngoài, Tiểu đoàn 50, Đại đội 10 đặc công làm nòng cốt. Tỉnh đội trưởng chịu trách nhiệm chính mũi đánh vào Quy Nhơn: Tỉnh đường - Ty Cảnh sát - Đài Phát thanh và Nhà Lao.
Đoàn của Tỉnh ủy, khoảng 250 người gồm nhiều bộ phận, Chính ủy Trung đoàn 12 và một Tiểu đoàn khoảng 200 quân đều tân binh trẻ ở miền bắc mới vào. Đoàn xuất phát ngày 27 tháng chạp âm lịch đảm bảo kế hoạch tối 30 đến Hưng Thạnh. Anh Biên Cương (Bí thư Thị ủy Qui Nhơn, tập kết ra Bắc, vừa trở vô Nam 1962), và chị Đặng thị Hường (Cán bộ Giáo dục, làm xướng ngôn viên khi chiếm được đài phát thanh) ở trong đoàn hợp pháp vào Nội thị trước chuẩn bị chiến trường. Vừa bước vô nhà một cơ sở, bị lộ, anh em đều bị bắt.
Bộ phận chính của Tỉnh đội trưởng không liên lạc được bên trong; khi đó bộ đội đã tập trung ở rừng sác Hưng thạnh trong tư thế sẵn sàng. Đúng 10giờ đêm 30 Tết, các cánh quân tiến vào Qui nhơn. Địch đánh chận lực lượng ta ở khắp nơi. Địch thiết quân luật trong thị xã suốt đêm, xe thông tin chạy rao loa: "Việt cộng đột nhập vào thành phố, nhà ai nấy ở, đóng cửa lại..." hễ thấy bóng người ra đường là chúng bắn ngay, vì vậy các chị trong mũi đấu tranh không thể treo cờ, khẩu hiệu được. Mũi đánh vào đài phát thanh, lực lượng địch phản ứng quyết liệt, đưa xe tăng yểm trợ gây cho ta tổn thất lớn. Đội quân từ Hưng Thạnh vô đánh trúng trại giam, giải thoát anh Biên Cương và chị Hường, anh Võ Mười cùng tham gia chiến đấu với bộ đội và đã hy sinh. Mấy đơn vị chấp hành lệnh sau, bị tổn thất lớn. Sư đoàn 3 đánh vào Phù Mỹ, ém sát quận lỵ, nhận lệnh điều chỉnh giờ nổ súng, phải rút quân ra, địch phát hiện bao vây, truy kích đánh tơi bời. Hai Tiểu đoàn khác thuộc Sư đoàn 3, một bị đánh tại Nhơn Hạnh, một bị đánh tại Đập Đá hầu hết anh em đã hy sinh.
Trong Tổng công kích tết Mậu Thân, sau khi địch phản kích mạnh, ta tổn thất nặng, tạo một tâm lý bàng hoàng. Sau Tết Mậu Thân, Bộ Đội, Du kích bị giảm mất hơn một nửa quân số, chưa bổ sung được, (trang 248-270)
Tháng 5.1971, tại Hòn Chè, Chi Đoàn Trần văn Ơn chính thức được thành lập có một số em đoàn viên nòng cốt: Thắng, Hà , Sinh, Bình, Quốc, Trong, Xuân giao cho Cô Huỳnh thị Ngọc, Bí thư Thị đoàn Qui Nhơn trực tiếp phụ trách.
*Trận đánh Sân Vận Động Quy Nhơn
Trước Tết Nguyên đán nhâm Tý 1972, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh Ủy, Chi Đoàn Trần văn Ơn được Tỉnh Ủy giao nhiệm vụ phải đánh phủ đầu tên Chức (Tỉnh Trưởng vừa mới bổ nhiệm) và Huỳnh thị Ngọc người chỉ đạo trận đánh.
Ngọc ra căn cứ xin hai kíp nổ định giờ nhưng _ kho_ không có chỉ còn hai quả lựu đạn. Ngọc nhận lựu đạn tức tốc vào thành... cùng đội lên phương án chiến đấu. Khi vũ khí giao cho Vũ Hoàng Hà, một thành viên trong đội, đội biệt động nắm tay quyết đánh! Và lệnh được chốt lại: 5 đồng chí Hà, Thắng, Xuân, Quốc, Trong- đúng 7 giờ tối tập kết trong sân vận động nhận lệnh chiến đấu! Tối hôm đó, Nguyễn Văn Chức tổ chức mít tinh: "Đêm không ngủ" lôi kéo lực lượng thanh niên. Tại sân vận động Quy nhơn, lực lượng bảo vệ canh gác vòng trong vòng ngoài dày đặc. Chức kết thúc bài diễn văn, rời bục cùng đám tùy tùng đi xuống đống lửa trại ở giữa sân, Ngọc bấm nhỏ vào tay đồng đội làm ám hiệu, lập tức đội hình được triển khai. Vũ quốc Thắng đứng giữa, Hà cao lớn chắn phía trước, ba đồng chí khác án ngữ ba phía còn lại, che kín không để ai thấy Thắng bên trong. Khi tên Chức đã đến gần đống lửa trại, Thắng rút chốt lựu đạn, nhoài người ra lia vào chân tên tỉnh trưởng , Hà liền ập người vào che Thắng và kéo Thắng rút chạy... Tất cả diễn ra trong nháy mắt. Một tiếng nổ vang rền đã làm sân vận động nhốn nháo, tán loạn, cuộc mít tinh tan rã. Trận này địch chết 7 trong đó có tên Tỉnh Phó, Trưởng ty Thanh Niên, Quận trưởng Binh Khê, Trưởng Ty Chiến Tranh Tâm Lý và bị thương 3. Đại tá Chức bị thương trong sự hoảng loạn. (281-283).
Còn trong một Đặc san "Quốc Học Quy Nhơn" (trang 195) Cuộc hội kiến chớp nhoáng giữa Ngọc với 4 học sinh trường Trung học Cường Đễ: Lợi, Danh, Xuân, Sinh. Tất cả nhất trí phải đánh! ... Khoảng hơn 9 giờ đêm, tỉnh trưởng Chức khệ nệ xuống khán đài, đi thẳng ra giữa sân vận động, kéo theo cả đoàn vệ sĩ. Học sinh phấn khởi reo mừng, tung hoa giấy đón chào. Vô tình Chức bước tới trước mặt tổ Trần văn Ơn thì hoa giấy càng tung lên gấp bội choáng cả mắt. Lợi rút nhanh chốt lựu đạn ném thắng vào đích. Lựu đạn vừa lóe xì khói, tên vệ sĩ Thiếu Úy Linh áp mạnh xô Chức ngã xuống rồi nằm chồm lên phủ trọn cả người tỉnh trưởng vào lòng. Một tiếng nổ _ oành_ chát chúa. Kết quả địch 7 chết tại chỗ, trong đó 1 Tỉnh Phó và Thiếu úy vệ sĩ Linh, 4 tên trọng thương trong đó có tên Tỉnh trưởng Chức. (Huỳnh thị Ngọc, Anh hùng LLVTND kể).
Sụ thật: Vụ ném lựu đạn tại Sân vận động Qui Nhơn đêm 9/1/1972: Một đêm lửa trại tổ chức tại Sân vận động Qui Nhơn gồm các đoàn thể thanh niên: Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, Hội Hồng Thập Tự, Học Sinh Trung Học của tất cả các trường trong Thị xã. Sân Vận động được thắp sáng bằng những ngọn đèn pha cực mạnh, ở giữa một đống lửa lớn được đốt lên. Học sinh và các đoàn thể xếp hàng quanh đống lửa. Các chương trình văn nghệ được biểu diễn tại đây. Diễn biến buổi lễ tiếp tục, khi loa phóng thanh loan báo Đại tá Tỉnh Trưởng xuống sinh hoạt lửa trại với học sinh, xướng ngôn viên cũng mời tất cả quan khách cùng tháp tùng nhưng hầu hết đều ở nguyên tại chỗ.
Trong lúc vị Tỉnh Trưởng đang say sưa hát bài "Làng tôi" thì một tiếng nổ chát chúa vang lên giữa đống lửa trại.
"Tất cả đều nằm xuống" Một tiếng hô to; nhưng các em học sinh vẫn đứng im, hàng ngũ vẫn chỉnh tề; có lẽ quá ngạc nhiên vì lần đầu xảy ra trong đời nên chẳng biết phản ứng ra sao, sau vài phút hoàn hồn, các em ôm nhau run rẩy, kêu khóc thất thanh. Hiệu Trưởng và giáo viên các trường hốt hoảng ùa tới.
-"Lựu đạn. Coi chừng còn một trái nữa" Tiếng thét vang lên. Tất cả học sinh còn lại túa ra đường bằng cổng sau chạy bộ về các trường gần đó. Khi nhân chứng trở lại, một cảnh tượng hãi hùng: người chết và bị thương xếp thành một vòng tròn quanh đống lửa. Đại đa số thương vong là các em Ấu sinh và Sói con của các Gia đình Phật tử và Hướng Đạo vì các em xếp vòng tròn quanh đống lửa. Lựu đạn M.26 được chế tạo có nhiều mảnh nhỏ mục đích là sát thương tối đa nhân mạng. Với vòng người dày đặc nầy lại nhằm lúc TV ngưng phát chương trình để đọc tin tức và bình luận, các em nhỏ ở quanh Sân vận động cũng ùa vào xem chương trình ca nhạc nên số thương vong càng tăng cao. Trong số những người kém may mắn đó có Cô Yến, Giáo sư Trường Nữ Trung Hoc, cô là phu nhân của Giáo sư Tạ Quang Khanh, cố vấn Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Khi ĐT.Tỉnh trưởng xuống sinh hoạt cạnh đống lửa, Cô Yến ngồi trước, vì trời lạnh, Cô Tùng giáo sư cùng trường ngồi phía sau, ôm chặt lấy cô Yến để hai người cùng ấm. Khi lựu đạn nổ, Cô Yến tử thương, Cô Tùng bị một mảnh nhỏ ghim vô miệng. Về Thầy Khanh bị rất nhiều miểng ghim vào bụng. Các bác sĩ thuộc Bệnh viện Thánh Gia cho biết khi hút hết nước tiểu của Thầy ra không có máu, tức là bọng đái chưa bị thủng còn chữa được. Sau vài tuần lễ Thầy Khanh đã bình phục nhưng điều quan trọng là làm thế nào để Thầy đón nhận cái tin Cô Yến, người vợ thương yêu của mình không còn nữa trong khi hai đứa con Thầy còn quá nhỏ; cô Yến lại đang mang thai đứa thứ ba.
Tối hôm sau, Đại tá Tỉnh Trưởng lên truyền hình để trấn an dân chúng. Ông chỉ bị vài vết thương nhẹ và đoàn tùy tùng thoát hiểm nhờ có nón sắt và mang áo giáp.
Qua hai dẫn chứng ở trên thì kết quả của chiến công này có 7 thương vong toàn là đám ngụy quân, ngụy quyền nhưng liệt kê chi tiết lại khác nhau: Một bên có 1 Phó Tỉnh và 1 Thiếu úy, 4 bị trọng thương trong đó có tên Tỉnh trưởng Chức.
- Một bên Tỉnh Phó, Trưởng ty Thanh Niên, Quận Trưởng Bình Khê, Trưởng Ty Chiến Tranh Tâm Lý và bị thương 3. Đại tá Chức bị thương trong sự hoảng loạn.
Theo những nhân chứng sống còn ở trong nước và hải ngoại: trong vụ thảm sát nầy có trên 100 em Học sinh và Giáo viên tử thương trong đó có cô Yến và Thầy Khanh, còn Tỉnh phó Tôn thất Tùng, lúc đó theo chân Tỉnh trưởng rời khán đài nhưng đã ra ngoài sắp xếp xe cộ thành ra chẳng hề hấn gì hiện đang ở Hoa kỳ. Phó thị trưởng Bùi xuân Thích chỉ bị thương nhẹ, còn Ông chủ Nhà Sách Việt Long loay hoay thế nào đã đưa nguyên cả hai cái mông hứng những mảnh lựu đạn nhưng may mắn không trúng chỗ hiểm nên vẫn còn sống sót, không có Thiếu Úy nào tên Linh cận vệ tử thương, còn Đại tá Chức chỉ bị vài vết thương nhẹ ngày hôm sau đã lên TV.nói chuyện với dân chúng tỉnh nhà Bình Định. Tỉnh Trưởng Nguyễn văn Chức sau lên Tướng hiện đang sống ở hải ngoại. Đoàn tùy tùng với Đại tá thoát hiểm được là nhờ nón sắt và áo giáp che thân.
Qua chiến dịch Xuân- Hè (tháng 4.1972), các lực lượng vũ trang phía Bắc tỉnh đã tiêu diệt phần lớn quân chủ lực, phá vỡ hoàn toàn hệ thống phòng thủ, quét sạch hệ thống ngụy quyền quận xã thôn từ Phù Mỹ trở ra, mở rộng vùng giải phóng gồm các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, và Bắc Phù Mỹ rộng gần hai ngàn cây số. Rất tiếc rằng sau đó, khi Sư đoàn 3 trên đường ra Quảng Ngãi theo lệnh điều động của Quân khu thì địch đã mở cuộc hành quân: "líp" lại. Với một lực lượng cơ động đông đúc gồm 17 Tiểu đoàn và 5 Chi đoàn xe bọc thép, địch đã lần lược áp đảo, chiếm lại các vùng giải phóng ở Hoài Nhơn gây cho ta nhiều khó khăn mới. (trang 287).
* Và Trận đánh Trung tâm hành quân Tiểu khu Bình Định
Nhận được tin sáng ngày 2.6.1972, tại hầm ngầm toàn bộ sĩ quan của Trung tâm cùng Cố vấn Mỹ, Nam Triều tiên họp bàn kế hoạch hành quân đánh vào vùng giải phóng, tổ binh vận bí mật đem bộc phá có hẹn giờ thêm 6 kíp nổ cùng bốn trái lựu đạn tương đương 10 ký TNT đựng trong chiếc cặp đặt ở hầm ngầm. Lúc 08 giờ sáng, sau mấy tiếng nổ long trời, Sở chỉ huy Hành quân Tiểu khu Bình Định bị phá banh: 40 Sĩ quan vừa Mỹ, Ngụy, Nam Triều tiên chết và bị thương trong đó có tên Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn văn Chức bị thương nặng.( Tổ binh vận do Lê thị Trung Kiên Ủy viên ban binh vận tỉnh điều khiển nắm bắt một người lính lái xe cho lực lượng phi công là Trung sĩ Lê minh Chánh (bí danh Lê Hoàng Long), lái xe cho Thiếu tá Lê văn Cầu, sĩ quan tham mưu SĐ22 ngụy được biệt phái trung tâm hành quân. Long phải lợi dụng việc xách cặp cho tên Thiếu tá Cầu, làm quen với lính gác theo vào hầm ngầm quan sát tìm nơi gài mìn, đặt bộc phá chuẩn bị trận đánh) (trang 289-290).
Những chi tiết trong vụ đặt chất nổ tại Trung Tâm Hành quân Bình Dịnh khiến cho người dân Bình Định đọc qua không khỏi phì cười.
Từ năm 1970 về sau, Tỉnh ủy hình thành bộ phận Tiền Phương Khu Đông trở lại. Anh em đi công tác từ đông sang tây hay ngược lại luôn luôn phải đối diện với cái chết, địch chốt trên mặt đường bằng những lớp bao cát dày, chúng an toàn trong chốt theo dõi, phục, nghe ngóng từng bước chân đi. Mỗi lần qua đường phải đi vào mười một, mười hai giờ, phải đi đêm mưa, trời không trăng. Trinh sát đi trước, giao liên đưa qua đường; có lúc phải trải tấm ni lông ngang qua mặt đường, qua khỏi cuốn cất ngay. Hai xã Cát Hanh và Mỹ Hiệp nằm hai bên đường hành lang đông tây đã sẵn sàng những hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội và sẵn ám hiệu thông báo tình hình khó khăn cho cán bộ vượt đường. Hưng Thạnh là bàn đạp căn cứ lõm. Từ khi tổ chức được bàn đạp liên lạc này đã tạo dựng được đường dây hợp pháp từ căn cứ Hòn Chè xuống chợ Gồm Cát Hanh, vào Phương Danh thị trấn Đập Đá, thị trấn Diêu Trì vào thị xã Qui Nhơn và lên tận Bình Khê ra Tam Quan. Cửa khẩu thị trấn Cát Hanh-Mỹ Hiệp là nơi thu mua lương thực thực phẩm cung cấp cho Tỉnh (trang 300-302)
Ngày 27.1.1973, Hiêp Định Paris về Việt Nam được ký kết.
Theo Hiệp định, trên cả miền Nam có ba nơi trao trả tù binh là Trảng Bàng (Tây Ninh), Hoài Ân (Bình Định), Thạch Hãn (Quảng Trị). Tại cầu Bến Muồng đã tổ chức trao trả trên 900 tù nhân cả dân và quân sự để nhận lại 1,100 cán bộ, chiến sĩ. Hiệp ước Paris chính là một bản án tử hình đối với chế độ miền Nam Nguyễn văn Thiệu (trang 364-366). Cuối tháng 12 năm 1973, Đại hội đảng Khu 5 quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng: "Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất cứ trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, để giữ đường lối chiến lược tiến công!" Vào cuối tháng 5 năm 1974 có thể nói là ta đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch chiến lược "tràn ngập lãnh thổ", xóa thế da beo của ngụy ở Bình Định.(trang 372-373)
Ngày 18 tháng 12 năm 1974, Bộ Chính Trị họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam. Phương án tấn công và nổi dậy giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976; nhấn mạnh thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để đánh những trận quyết chiến cuối cùng.
Nhật ký của Nguyễn trung Tín về ngày giải phóng Quy Nhơn (31.3.1975):
Tôi được lệnh ra Bắc thăm vợ con từ tháng 10 năm 1974 đến tháng 2 năm1975. Ngày 10.3.1975, tôi trở về Nam, đến Hà Tĩnh nhận điện của Bí thư Khu ủy: "Anh Tín về gấp.Vô khu ủy!" Qua các đoàn xe vào cho biết tình hình khẩn trương lắm, nghe đài đã biết được nhiều nơi giải phóng. Vào Khu ủy, văn phòng truyền đạt ý kiến chỉ đạo: "Anh Tín về, vô Quy Nhơn ngay!". Sau chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính Trị quyết định mở mặt trận Huế - Đà Nẵng. Bọn địch bỏ chạy "tùy nghi di tản"
Về Bình Định, Tỉnh ủy đã chuyển về Cát Sơn (Phù Cát). Tình hình găng quá! Sư đoàn 3 đánh cả tháng mà không được chi viện; một đại đội chỉ còn hai mươi, ba mươi tay súng, địch bảo vệ Quy nhơn dữ, vỏ bên ngoài còn cứng.
Điện thứ ba: "Anh Nam về Quy Nhơn chưa?".
Điện tiếp: "Đừng bóc vỏ! Đột nhập tung thâm ngay!".
Khoảng bốn giờ chiều 30 tháng 3 về đến Quảng Vân _ vùng ven Quy Nhơn. Cùng bộ phận tiền phương quyết định đưa lực lượng tiến thẳng vào Quy Nhơn, đánh chiếm các mục tiêu chính
- Tỉnh Đường, Ty Công An, Đài Phát thanh, Ty Thông Tin.
Ngày 31 tháng 3, các mũi tiến công của lực lượng bộ đội vẫn ráo riết truy kích địch, áp sát vào nội thị.
Việc chiếm thị xã Quy nhơn khá nhanh chóng trong ngày 31 tháng 3, thực chất ta vào tiếp quản Quy Nhơn vì địch đã bỏ chạy từ ngáy 28 tháng 3. (trang 371, 382, 398).
Bình Định, 30 năm chiến tranh. Đọc Hồi ký "Ở Lại Với Dòng Sông" của Nguyễn Trung Tín cùng những kinh nghiệm thực tế bản thân của mỗi con người sinh ra, lớn lên ở đây khiến chúng ta không khỏi bùi ngùi, xót xa cho cái nghiệt ngã, đau thương mà người dân Bình định phải gánh chịu dầu bây giờ còn lại với quê hương hay lưu lạc nơi xứ người. Một nén hương cho tất cả
những người vì Quê Hương, Đất Nước không còn nữa.