Bác Siêng là nông dân ở Trà Quế, một vùng ngoại ô rất đẹp và trù phú cách thi trấn Hội An, tỉnh Quảng Nam chừng vài ba cây
số về hướng Đông. Đây là vùng đất tốt, có đầy đủ nước ngọt, có biển và sông Cổ Cò chảy qua. Cư dân sinh sống chính bằng nghề
trồng rau và đánh bắt tôm cá. Cuộc sống của họ luôn thảnh thơi giản dị trong những năm tháng thanh bình, nhưng cũng nghiệt
ngã đau thương không kém trong chiến tranh như bao nhiêu mảnh đất khác của xứ Quảng.
Gia tộc tôi có một khu đất dùng làm nghĩa trang cho các thành viên trong gia đình ở Trà Quế, nên đã nhờ gia đình bác Siêng
vốn sinh sống gần đó cai quản chăm sóc giúp. Vì vậy hai gia đình trở nên thân thiết với nhau. Mỗi năm đến dịp Thanh Minh là
tôi lại có dịp ở nhờ nhà bác Siêng vài ba ngày để chăm sóc các phần mộ. Từ Hội An ra Trà Quế cũng vài ba cây số mà phương
tiện lúc đó chỉ là đi bộ nên đi về trong ngày rất vất vả và tốn thời gian. Bác Siêng có ngôi nhà vách xây bằng gạch, mái lợp
lá dừa nước, rất rộng rãi thoáng mát. Người dân quê vùng ngoại ô của Hội An thường dùng lá dừa nước để lợp nhà, vừa bền tốt,
lại rất mát vào mùa hè. Sau một ngày vất vả cuốc cỏ, quét dọn, sơn phết các ngôi mộ, mấy anh em chúng tôi ra sông Cổ Cò tắm
rửa rồi về nhà bác Siêng ăn cơm chiều. Thức ăn thì hầu hết đều là do gia đình bác Siêng sản xuất
như các loại rau thơm, cải, xà lách và các loại đậu đủa, đậu ve. Đặc biệt có tôm cá tươi sống đánh bắt ngay tại con sông
trước nhà.
Lúc ấy là khoảng năm 1962, thời kỳ rất thanh bình và êm ả nhất của Trà Quế. Đời sống dân quê sung túc và giản dị. Mỗi buổi
sáng sớm, đàn ông con trai đi dọc theo sông thu hoạch tôm cá trong các nò tôm (tên gọi địa phương chỉ một loại bẩy bắt tôm)
hay lưới giăng (bẩy bắt cá). Họ thu hoạch mỗi người chừng 5, 7 ký tôm và các loại cá đối, cá dìa, cá hanh…Đàn bà, con gái
thì cắt rau, nhổ hành hoặc thu hoạch bầu bí rồi nhập chung với tôm cá gánh vào bán ở chợ Phố (tên địa phương gọi chợ Hội
An). Buổi tối, cơm nước xong, mấy anh em tôi ra ngồi trước sân đón gió từ sông Cổ Cò mát rượi thổi vào quyện trong mùi hương
thoang thoảng ngọt ngào của các loại rau thơm Trà Quế. Ban ngày chúng tôi chia nhau đi chăm sóc các ngôi mộ Gia tiên gần đó.
Thằng Bưng, con trai út bác Siêng lúc ấy chừng 12 tuổi và con Hành 7 tuổi, con chị Rổ hàng xóm lẻo đẻo đi theo chơi và phụ
dọn dẹp.
Chị Rổ lúc ấy mới 26 tuổi, trắng trẻo xinh đẹp và nhất là đôi mắt chị lúc nào cũng buồn thăm thẳm. Chồng chị là bộ đội Việt
minh đã đi tập kết ra Bắc từ 7, 8 năm trước lúc chị có bầu con Hành mới 2 tháng. Sau khi Hiệp định Genève giữa Pháp và Việt
minh ký xong, một đại đội Việt minh về làng kết thân với thanh niên nam nữ, mà chủ yếu là nữ vì thanh niên đâu còn ai ở nhà
trong thời buổi ấy. Tổ chức sắp xếp cho chị Rổ gặp anh Cầu trong một đêm sinh hoạt thanh niên rồi sau đó hội phụ nữ xã
khuyên chị thuận tình làm vợ anh Cầu. Chị Rổ lúc ấy mới 18 tuổi còn ngây thơ trong trắng, đỏ mặt thẹn thùng chuyện vợ chồng,
nhưng rồi cuối cùng cũng bằng lòng làm vợ anh bộ đội, làm dâu bác Hồ để chứng minh lòng yêu nước.
Đám cưới tập thể được tổ chức vội vàng trong ánh đuốc chập chờn và nỗi sợ hãi đạn mọt chê (mortier : tiếng Pháp chỉ súng
cối) từ đồn lính Pháp gần đó bắn tới. Tuy lúc đó lệnh đình chiến đã có hiệu lực, nhưng cả hai bên thỉnh thoảng vẫn cứ vi
phạm. Mười cô thiếu nữ Trà Quế kết duyên cùng 10 anh bộ đội do sự sắp xếp của tổ chức, đứng trước bàn thờ có lá cờ đỏ sao
vàng thề trung thành với đảng và Tổ Quốc nhân dân. Hai người ăn ở với nhau được hai tuần lễ thì anh Cầu theo đơn vị lên
đường.
Đó là những ngày hạnh phúc của chị Rổ. Dành những con tôm bạc ngon nhất để nấu cho anh Cầu bát canh rau tươi non mới hái sau
vườn, những con cá đối còn đang vùng vẫy từ dưới sông mới bắt lên được chị khéo léo kho với dưa cải chua để anh ăn cho vừa
miệng. Cơm tối xong, hai vợ chồng ra ngồi trước hiên nhà, anh vuốt tóc chị thì thầm chuyện yêu đương. Vào giường nằm lúc đi
ngủ, lúc nào chị cũng vừa vuốt ve cái lưng còm cõi ốm đói của anh vừa thì thầm hẹn ngày mai em sẽ kiếm cái gì đó để anh ăn
“bồi dưỡng”.
Vừa chớm biết tình yêu, hương lửa chưa đủ mặn nồng thì chia tay nhau. Chị trở lại công việc hàng ngày, tưới rau, nhổ cỏ,
gánh rau vào chợ Phố bán kiếm sống. Khi biết mình có thai, chị cố liên lạc tìm anh Cầu để báo tin nhưng không tìm được. Hội
phụ nữ xã bảo cứ yên tâm làm lụng nuôi con, hai năm nữa anh Cầu sẽ trở về vinh quang. Chị sinh con Hành một mình trong sự
đùm bọc của bà con chòm xóm và cũng từ đó đôi mắt xinh đẹp của chị mang nỗi đợi chờ buồn thăm thẳm.
Con Hành được 3 tháng, chị Rổ bồng con lặn lội vào Duy Xuyên cho nội con Hành biết mặt cháu. Thấy mẹ chồng hay đau ốm lặt
vặt, già cả không đủ sức làm nông, chị đem mẹ chồng về Trà Quế
nuôi dưỡng. Tình bà con chòm xóm ở cái làng quê nầy thật đậm đà thân ái, chẳng có ai thù hận gì. Thỉnh thoảng chị cũng ngại
ngùng lo sợ khi có những thanh niên trong làng đi lính Cộng hòa bị việt cộng phục kích bắn chết. Nhưng cũng chẳng có ai căm
ghét chị, mọi người đều thương chị một mình vất vả nuôi con, nuôi mẹ chồng nay ốm mai đau. Chính quyền Quốc gia cũng tử tế,
gia đình chị có ai đau ốm đều được bệnh viện Hội An chăm sóc điều trị, thuốc men và cả đến các phần cơm trưa, cơm chiều tại
bệnh viện cũng đều được miễn phí. Con bé Hành đi học chả thấy cần lý lịch hay đòi hỏi học phí gì. Thỉnh thoảng con bé còn
được cho quà đồ chơi và quần áo, lại còn được phát sửa và bánh mì ăn thêm trong những ngày đi học.
Tôi vào ra Trà Quế được vài ba lần thì đến năm 1964 du kích việt cộng bắt đầu về quậy phá, thường bắn ẩu vào những người
trong Hội An ra thăm viếng mộ phần vì nghi là họ đi do thám cho phía Quốc Gia. Cũng từ đó gia đình tôi không ai dám ra Trà
Quế nữa, việc mồ mã Gia tiên đều nhờ bác Siêng và thằng Bưng chăm sóc giúp.
Suốt mấy năm sau đó do bận học hành thi cử rồi nhập ngũ vào quân đội, tôi hầu như quên bẳng đi chuyện Trà Quế, bác Siêng,
chị Rổ. Cho đến đầu năm 1981 tôi vừa ở tù cải tạo cọng sản về được vài ngày thì thằng Bưng ghé thăm, đem biếu tôi một ít tôm
và mấy con cá Diếc do hắn đánh bắt được ở con sông Cổ Cò trước mặt nhà. Có lẽ hắn không quên chuyện khi hắn đi lính Nghĩa
quân, tôi có xin cho hắn được về trung đội trú đóng gần nhà. Hôm ấy bác Siêng dẫn thằng Bưng vào, rơm rớm nước mắt kể câu
chuyện gia đình bác cho tôi nghe.
Bác Siêng có 3 đứa con trai thì đã chết mất hai đứa lớn. Người con đầu năm 14 tuổi đang chăn bò thì gặp lính Pháp hành quân
ra, nó sợ quá bỏ chạy bị lính lê dương (lính Pháp nhưng không phải người Pháp mà là người các thuộc địa Pháp như Maroc,
Tunisie, Algerie…) rượt theo bắn chết. Người con thứ hai đi lính Cộng Hòa bị tử trận thời ông Diệm. Khi thằng Bưng, người
con út và cũng là con trai duy nhất còn lại của gia đình đến tuổi đi lính thì bác Siêng cho nó đi Nghĩa quân mong giữ được
mạng sống để còn lấy vợ sinh con nối giỏi tông đường. Thấy bác vừa kể vừa lấy vạt áo lau nước mắt, tôi vội vàng hứa với bác
tôi coi nó như em và sẽ lo lắng cho nó.
Bưng nắm chặt tay tôi, mắt nhìn khắp người tôi có vẽ cảm động. Lúc ấy tôi rất ốm và xơ xác vì vừa mới ra khỏi trại tù cải
tạo vài ba hôm. Vì chỉ là lính Nghĩa quân nên Bưng không bị đi tù cải tạo, nhưng hắn bị bắt đi theo toán gở mìn cùng với các
người lính Quốc gia khác cũng nguy hiểm và gian khổ không kém. Tôi hỏi thăm chị Rổ và con Hành. Bưng kể:
Tháng 4 năm 75, cọng sản về. Chị Rổ chạy khắp nơi hỏi tin tức chồng chị là anh Cầu. Hai tháng sau đó có người cho biết anh
Cầu còn sống và sẽ về Nam thăm chị. Thế là chị Rổ vui hẳn lên. Chị bắt đầu sửa soạn lại dung nhan, đi may sắm quần áo, dọn
dẹp lại nhà cửa và nhất là mua chiếc chiếu bông mới, cặp áo gối thêu hoa và cái mền thật đẹp để chuẩn bị đón chồng về. Chị
bẻn lẻn, thẹn thùng như cô gái mới lớn mỗi khi có ai bắt gặp chị thoa chút phấn hồng trên má. Bà con Trà Quế cũng chất phác
thật thà, ai cũng thương mến chị và mong cho chị sớm gặp lại anh Cầu để xây dựng lại hạnh phúc lứa đôi đã dở dang gần hai
mươi năm trời. Con Hành, kết quả của hai tuần lễ hạnh phúc ngắn ngủi, nay đã trở
thành cô con gái tuổi đôi mươi xinh đẹp nõn nà, nhất quyết chỉ muốn làm vợ thằng Bưng, người đã yêu thương, chăm sóc, chơi
thân với nó từ hồi còn nhỏ. Dù mẹ nó đã khuyên lơn, dọa dẫm ngu chi mà lấy cái thằng lính ngụy, nó bị bắt đi gỡ mìn có ngày
cụt giò, cụt cẳng, cụt cu…sao không lấy mấy anh cán bộ tập kết trở về, tuy có già nhưng tem phiếu 2 ký rưởi thịt, có gạo có
đường, lại có cả mì chính đủ nấu canh rau ăn cả tháng…Nhưng Hành nhất quyết không chịu, không những cải lời mẹ mà còn nghêu
ngao hát “ ngu sao mà lấy chồng già, sáng đau chiều ốm lấy mà mần chi…” Không có gạo thì ăn khoai ăn rau, không có bột ngọt
thì xuống sông mò cua bắt ốc, cái bướng bỉnh của Hành cuối cùng chị Rổ cũng chịu thua.
Đám cưới của Bưng và Hành cũng giản dị như tình yêu và sự thủy chung của hai đứa nó. Hai đứa nuôi chung mấy con gà, cứ thả
đi rong có gì ăn nấy, có hôm không tìm được cái gì ăn, tối về chuồng ngủ mà bụng đói xẹp lép. Thời buổi ấy con người còn đói
huống chi gà, vậy mà tội nghiệp rồi chúng cũng lớn kịp cho hai đứa nó làm đám cưới. Bưng dẫn Hành về nhà, hai đứa mở cái gói
mà trước khi chết bác Siêng, cha của thằng Bưng đã dặn khi nào cưới vợ mới được mở ra. Con Hành sụt sùi khóc cầm đôi bông
tai và sợi dây chuyền bằng vàng mà bác Siêng âm thầm dành dụm từ hồi nào để chuẩn bị cưới vợ cho thằng con trai út. Bác còn
cho hai đứa mấy lượng vàng để sau nầy nhà cửa có hư hỏng thì sửa chữa làm nơi ở và thờ tự ông bà…Bưng thắp hương cho cha
trên bàn thờ vừa khấn nguyện vừa rưng rưng nước mắt. Sau đám cưới, Hành về ở với Bưng trong căn nhà cha Bưng để lại, hai đứa
ra sức làm lụng nuôi nhau và dành dụm cho đứa con, tức cháu nội của bác Siêng mà hồi còn sống ông đã từng ngày mong đợi.
Bưng cũng muốn cưới vợ sớm cho cha vui lòng, nhưng lúc ấy chiến tranh khốc liệt
quá không biết sống chết lúc nào nên Bưng đành cứ hẹn lần hẹn lửa với cha. Hắn thương con Hành đã không có cha ngay từ thuở
mới lọt lòng, sợ lại phải góa bụa một mình nuôi con lỡ khi mà hắn anh dũng hy sinh đền nợ nước.
Hàng ngày, Bưng thức dậy từ 4 giờ sáng lội dọc theo con sông Cổ Cò thu hoạch tôm cá từ mấy cái nò tôm và lưới giăng của gia
đình rồi về nhà thu xếp quang gánh cho Hành và chị Rổ gánh vào bán ở chợ Phố. Cọng sản về, chuyện làm ăn khó khăn hơn lúc
trước, hai mẹ con phải đóng thuế khi qua trạm thuế vụ rồi còn bị bọn cán bộ quản lý thị trường xin đểu hàng ký tôm cá và rau
thơm gọi là tăng cường cho bếp ăn tập thể. Vào chợ thì phải đóng thuế hàng hóa và lệ phí chỗ ngồi cho ban quản lý chợ, toàn
là một lũ ăn bám nhưng lại có quyền chưởi bới người khác. Nhiều hôm con Hành bực tức to tiếng chưởi cái đám ngụy tặc hồi
trước ăn cướp bóc lột dữ quá làm cho bọn cán bộ nóng mặt vì họ dư biết Hành mượn cớ giả đò như thế để chưởi họ, nhưng rồi
cũng đành nhịn nhục bỏ đi khi các bà già bán rau hành khác dọa rằng bố nó làm to lắm ở ngoài Bắc sắp về tỉnh ta làm việc
đấy.
Một buổi chiều khi đang chăm sóc vườn rau thơm của gia đình thì chị Rổ nghe bọn trẻ hét ầm lên bác Rổ ơi chồng bác về đây
nè. Chị vứt cái cuốc chạy băng qua đám rau theo lối tắt cho mau về nhà. Chị ngẩn ngơ nhìn một ông cán bộ lạ hoắc mặc bộ kaki
đã bạc màu, trên đầu đội cái nón cối màu xanh kiểu bộ đội và dưới chân là đôi dép râu mà mấy tháng nay chị nghe con Hành
từng nghêu ngao hát “đôi dép râu dẫm nát hồn tuổi trẻ, mũ tai bèo che khuất cả tương lai” (không biết tác giả). Chị run
giọng hỏi ông là…và sững sờ nghe trả lời: tui là Cầu đây. Chị nhìn kỹ hơn người đàn ông già trước tuổi, làn da đen đúa khắc
khổ, hàm răng vàng nâu
đóng bựa thuốc lào đang liếc cặp mắt nghi ngờ quan sát khắp nơi và đặc biệt tập trung vào cái an-tên tivi nhà chị và các nhà
hàng xóm. Bất chợt người đàn ông lên tiếng:
- Bộ chị làm xia (CIA) cho Mỹ hả?
- Không tui bán rau và tôm cá lặt vặt.
- Sao chị có nhà ngói, nhà lại có điện đài.
- Điện đài nào đâu, an-tên tivi đó. Cả làng ai cũng có nhà ngói và tivi cả chứ đâu phải mình tui, ông ni lạ thiệt.
Bà con hàng xóm nghe tin chồng chị Rổ về, chạy đến vây quanh thầm thì chỉ chỏ…nhưng chưa ai nhận ra đó là anh Cầu. Cho đến
khi chị mời anh vào nhà, mời anh uống bát nước chè lá đậm đặc của người Quảng, nhìn cách hít hà sảng khoái của anh, chị mới
lần hồi nhận ra có cái gì đó quen quen của hai mươi năm trước. Bưng và Hành chạy về, lên tiếng con chào…chú rồi bỏ ra sau
bếp, thầm thì ổng đâu phải cha tui, cha tui chi lạ rứa hè…
Cơm tối xong, chị Rổ trải chiếu, mắc mùng rồi mời anh Cầu đi ngủ sau khi đã lặng lẽ lấy chiếc gối của chị mang vào phòng con
Hành đã bỏ trống từ ngày lấy chồng. Chị nằm trăn trở, tự hỏi chồng tui đó ư ? Sao lạ hoắc và già khằn như rứa. Chị tủi thân
ứa nước mắt, nghĩ đến hai mươi năm chờ đợi, tưởng tượng ngày về vinh quang của chồng. Sao bây giờ chị chẳng thấy vinh quang
chút nào cả, cũng chẳng thấy tình yêu, nỗi mong nhớ vật vờ chạy trốn đâu mất, chỉ còn lại nỗi sợ hãi và căm ghét như khi
thấy mấy tên quản lý thị trường cũng ăn mặc như anh, trút mớ tôm mồ hôi nước mắt của chị vào giỏ rồi cười đểu giả nói ủng hộ
bếp cơ quan nghen chị.
Mấy ngày sau chị cũng quen dần với sự có mặt của anh Cầu trong nhà. Chị hàng ngày nấu cơm bưng nước mời anh nhưng vẫn có
cái gì đó ngại ngùng xa lạ chia cách giữa hai người. Cho đến một
hôm, giữa đêm khuya anh Cầu ôm gối rón rén vào nằm kế bên chị …Ngọn lửa tình tưởng đã tắt ngúm từ lâu, nay bỗng nhiên bùng
cháy trở lại, cũng rộn rã tưng bừng như thuở ban đầu…
Sau hai tháng về thăm nhà, anh Cầu thu xếp hành trang về lại miền Bắc để xin phép cơ quan chuyển hẳn vào Nam. Anh hẹn hai
tháng sẽ trở vào nhưng rồi qua 2 tháng, 4 tháng cũng không thấy thư từ tin tức gì. Chị Rổ lo lắng định nhờ con Hành viết thư
hỏi thăm tin tức của cha nó, mới chợt nhớ ra là lúc ra đi anh Cầu không để lại địa chỉ. Sốt ruột quá, chị lặn lội vào Duy
Xuyên tìm người anh họ của anh Cầu, cũng đi tập kết ra Bắc như anh, nay nghỉ hưu về nhà làm ruộng. Chị rụng rời nghe tin anh
Cầu đã có vợ và 3 con nhỏ. Khi sinh cháu thứ ba, vợ anh bị kỷ luật buộc nghỉ việc, còn anh Cầu cũng bị cho phục viên rồi. Từ
ngày đó hai vợ chồng anh Cầu làm lụng vất vả cũng không thể nuôi được 3 đứa con .
Từ Duy Xuyên về chị khóc lóc kể lể công lao chị đợi, chị chờ chung thủy bao nhiêu năm trời. Đang khóc, bỗng sực nhớ ra, chị
chạy đến giường ngủ, kéo cái giường ra tìm gói vàng chị dành dụm bao nhiêu năm cho tuổi già được chôn dấu dưới chân giường.
Chị kêu lên hai tiếng trời ơi rồi khóc ngất….Thì ra sau bao năm làm ăn dành dụm chị sắm được 15 cây vàng chôn dấu dưới chân
giường mà con gái chị và thằng Bưng cũng không hề hay biết. Trong một đêm ân ái với chồng, chị đã tin cậy mà kể hết cho anh
Cầu nghe và bây giờ chị đã trắng tay…Chị vật vả nằm liệt giường suốt hai tuần lễ, con Hành phải bỏ việc buôn bán rau ở chợ
Phố để ở nhà chăm sóc cho mẹ. Cũng may bà con chòm xóm thương chị Rổ, thương vợ chồng thằng Bưng nên phụ giúp cắt rau, bán
dùm rau và tôm cá do thằng Bưng thu hoạch đươc. Nhờ thế cuộc sống gia đình cũng không đến nỗi nào.
Hơn tháng sau, tỉnh táo lại chị Rổ nhất định phải ra Bắc tìm tận nhà anh Cầu để hỏi cho ra lẽ và lấy lại số vàng. Can gián
mãi không được, thằng Bưng đành phải đi theo để giúp đỡ mẹ vợ. Hai tuần sau, hai mẹ con thất thểu trở về, chị Rổ uống vội
bát nước chè con Hành mời rồi vào phòng nằm thở dài. Bưng kể khi tìm đến nhà, anh Cầu đang cuốc đất sau nhà, thấy chị Rổ vội
quăng cuốc bỏ trốn đâu mất. Còn chị vợ thì xỉa xói chúng mầy làm xia (CIA) cho Mỹ nay tao tha cho tội chết là may, lại còn
dám quấy rầy đòi hỏi gì nữa hả. Chị Rổ khiếu nại đến công an xã thì được trả lời rằng đó là chuyện gia đình chị chúng tôi
không thể can thiệp vào, hơn nữa lại không có bằng chứng gì. Vả lại chuyện xảy ra trong Nam, còn chúng tôi là công an xã
miền Bắc nên không thể phân xử gì được.
Chị Rổ nằm trong phòng ngủ tủi thân lặng lẽ rơi nước mắt. Chị bỗng nhớ về anh Phẩm, người Trung sĩ quân y mà chị có dịp quen
biết từ mấy năm về trước. Lúc ấy vào khoảng năm 1960 khi con Hành vừa tròn 5 tuổi. Một hôm trời vào Thu, mưa phùn rơi lất
phất, đường trơn trợt chị lại gánh rau cố chạy
nhanh cho kịp buổi chợ nên bị trượt chân ngã trên đường lát đá. Vết thương ở đầu gối khá nặng, máu chảy nhiều. Người bạn
cùng bán rau dìu chị vào doanh trại một đơn vị Quân Đội Cộng Hòa đóng gần đó xin giúp đỡ. Và chị đã được anh Phẩm, Trung sĩ
quân y không những đã tận tình chăm sóc, băng bó cho chị mà còn dùng xe đạp chở giúp chị và gánh rau ra chợ cho kịp giờ mua
bán. Từ đó anh hay ghé thăm chị và con Hành. Anh thương Hành như con, lần nào đến thăm cũng mua quà bánh cho nó. Có lần con
Hành bị sốt anh mua thuốc, mua cam rồi còn ở lại suốt đêm chăm sóc nó. Chị Rổ cảm động và không biết tự bao giờ tình yêu đã
len lén vào tim của chị. Chị buồn rầu khi nghe con Hành thỏ thẻ hỏi mẹ ơi cha
con đâu, ai cũng có cha sao con không có. Nhưng mỗi khi thấy yếu lòng chị lại cố tự nhủ rằng mình đã là gái có chồng, sao
còn có quyền yêu ai được nữa.
Nhưng có những đêm sau khi con đã ngủ say, chị ra ngồi trước hiên nhà, lặng lẽ nhìn xuống giòng sông nước chảy lặng lờ, nghe
tiếng rặng phi lao thì thào trong gió chị hiểu rằng chị chưa bao giờ yêu anh Cầu mà chỉ là vợ chồng theo sự sắp xếp của tổ
chức. Chị nhớ khi anh Phẩm tỏ lòng yêu và muốn cưới chị, anh đã nói là chị bị lừa gạt để trở thành cơ sở che dấu nuôi dưỡng
một khi anh Cầu trở về hoạt động. Nhưng là người con gái lớn lên trong phong tục Việt Nam chị không thể đi thêm bước nữa khi
chồng đang còn sống. Chị hiểu ra tình yêu đầu đời và đắng cay chị đã trao hết cho anh Phẩm khi nghe tin anh tử trận. Chị dẫn
con Hành đến dự tang lễ, xin phép cha mẹ anh Phẩm cho con Hành chịu tang cha nuôi của nó và cảm nhận nỗi đau như xé lòng khi
nghe mẹ Phẩm nói: bác chỉ mong nó có vợ và có một đứa con, nay nó ra đi mà chẳng có ai hương khói …
Nhớ đến Phẩm, chị nghẹn ngào thổn thức rơi nưóc mắt và chợt nghe như có tiếng Phẩm thì thào bên tai: thôi quên hết đi em,
rồi mình sẽ làm lại từ đầu…
Rồi chị Rổ cũng tỉnh táo lại, sức khỏe hồi phục dần. Chị trở lại công việc hàng ngày, buổi chiều chăm sóc vườn rau, buổi
sáng gánh rau, gánh tôm cá vào bán ở chợ Phố. Đôi mắt chị không còn buồn thăm thẳm như xưa nữa. Ai hỏi, chị cười nói mắt
mình đã sáng ra rồi. Ngoài vườn rau, con Hành vừa cuốc cỏ vừa nghêu ngao hát : “…Con ơi đừng trách mẹ sầu, đoạn trường ai có
qua cầu mới hay…”
San José, tháng 2 năm 2011
NT2 Trần Thanh Kiều Diệp